1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tổng Thư ký Quốc hội: “Formosa là bài học đắt giá về thu hút đầu tư”

(Dân trí) - “Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá, đi đôi với đó là phải bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống của người dân để phát triển kinh tế bền vững”, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, nói về bài học Formosa để lại. Đồng thời nhấn mạnh, khi thu hút đầu tư phải kiểm soát chặt chẽ, tránh để Việt Nam trở thành nơi xử lý rác thải, ô nhiễm.

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội ngày 21/7, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, Formosa là bài học rất đắt giá về việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho Việt Nam.

Theo đó, ông Phúc nhấn mạnh, phải chú ý nhiều hơn đến môi trường vì đây là lĩnh vực ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của người dân, đến tài nguyên thiên nhiên đất nước.

“Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá, đi đôi với đó là phải bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống của người dân để phát triển kinh tế bền vững như Nghị quyết Đại hội Đảng đã nêu. Người dân, doanh nghiệp, các ngành các cấp đều phải thực hiện”, ông Phúc nói.

Do vậy, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, khi thu hút đầu tư phải kiểm soát chặt chẽ, tránh để Việt Nam trở thành nơi xử lý rác thải, ô nhiễm.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội

Nói về trách nhiệm trong việc giám sát môi trường tại các dự án lớn như Formosa, ông Phúc cho rằng, đây là vấn đề phân cấp, tuỳ từng dự án sẽ phân cấp cho địa phương hay cơ quan trung ương, bộ, ngành .

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, không chỉ có những dự án lớn, nhạy cảm mới phải báo cáo Quốc hội, hoặc Chính phủ quyết định mà kể cả những dự án nhỏ nhưng nguy cơ ảnh hưởng môi trường lớn cũng phải báo cáo.

“Bài học từ Formosa cho thấy, từ Trung ương đến địa phương cùng phải quản lý chứ không phải là nơi nào chỉ biết nơi đấy. Nhiều dự án nhỏ có thể dẫn đến ô nhiễm lớn. Kiểm soát môi trườn là một vấn đề quan trọng khi phát triển kinh tế”, ông Phúc nhận định.

Liên quan đến đề nghị lập Uỷ ban lâm thời về giám sát Formosa, ông Phúc cho biết, ông chưa nhận được ý kiến này, song nếu thành lập thì phải có quy trình và phải thực hiện theo luật.

Trước đó, trong ngày 20/7, khi trao đổi với báo chí về vấn đề này, đại biểu – luật sư Trương Trọng Nghĩa nói: “Luật của chúng ta đã cho phép thành lập các đoàn giám sát lâm thời hay là ủy ban lâm thời để kiểm tra vấn đề gì đó, nhưng thật ra chưa bao giờ ta làm việc này. Tôi cho là có những việc nghiêm trọng thì chúng ta nên làm.

“Tôi nói ví dụ như là Quốc hội nên làm có một ủy ban lâm thời, xem xét toàn bộ các vấn đề môi trường mà nổi lên trước mắt tập trung vào Formosa rồi một số các dự án khác”.

Ông Nghĩa nhận xét, trong nhiệm kỳ mới, việc giám sát của Quốc hội đối với bên hành pháp cần phải nỗ lực, phải sâu sát và phải kiên quyết hơn.

“Quốc hội vừa rồi cũng có hiện tượng cả nể, do đó, các ban phải làm đúng hơn vai trò của mình và các đại biểu Quốc hội khi đã là đại biểu dân cử rồi thì phải đặt trách nhiệm dân cử lên cao hơn, tránh tình trạng nể nang. Chính tình trạng nể nang này làm cho việc giám sát nó không đến nơi đến chốn”, ông Nghĩa bình luận.

Trong khi đó, với kinh nghiệm là đại biểu Quốc hội nhiều khoá, ông Nguyễn Đức Kiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, với vai trò của mình, các đại biểu Quốc hội không nên tập trung vào việc đánh giá từng chỉ tiêu môi trường nước, từng thiết kế đường ống thải là nổi hay chìm mà bàn tới việc hoàn thiện thể chế, gắn trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, theo ông Kiên, từ câu chuyện Formosa, các đại biểu Quốc hội cần tập trung thảo luận để tìm ra đâu là điểm mà Quốc hội còn thiếu sót trong quá trình lập pháp để hoàn thiện.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm