ĐBSCL:

Sao nông dân trồng lúa mãi nghèo?

(Dân trí) - “Vì sao nông dân ĐBSCL làm ra nhiều lúa, bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp chính cho xuất khẩu, đưa Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu nhưng họ vẫn nghèo” - câu hỏi này lâu nay luôn làm chúng ta day dứt và chưa có lời đáp thỏa đáng.

Đến ngày 13/3, đã có ít nhất 160.000 ha lúa đông xuân ở ĐBSCL bị thiệt hại. Dự báo sẽ có khoảng 500.000 ha (chiếm 1/3 diện tích) lúa hè thu tới đây không xuống giống được. Trong bối cảnh này, câu hỏi đặt ra: ĐBSCL nên sản xuất lúa ở ngưỡng nào, sản xuất sao để đại hiệu quả cao nhất, để nông dân bớt khổ?

Nông dân trồng lúa khó làm giàu!

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn là vựa lúa của cả nước khi sản lượng duy trì ở ngưỡng trên 25 triệu tấn/năm (diện tích sản xuất 4 triệu ha/ vụ/ năm). Tuy nhiên, chỉ bỏ một phép tính đơn giản cũng thấy nông dân trồng lúa khó làm giàu!?


Các cánh đồng mẫu lớn sẽ giúp nông dân giảm bớt chi phí đầu vào

Các cánh đồng mẫu lớn sẽ giúp nông dân giảm bớt chi phí đầu vào

Nếu diện tích đất sản xuất của nông dân là 1 ha/hộ (thực tế theo điều tra thì diện tích đất trồng lúa của nông dân ĐBSCL hiện nay là 0,7 ha/hộ), làm trong hai vụ lúa đông xuân và hè thu đạt 10 – 12 tấn. Nếu tính chi phí là 50%, nông dân lãi 50%, tương đương 5-6 tấn lúa. Thử lấy giá khoảng 6.000 đồng/kg (hiện chỉ khoảng 4.700 đồng – 5.400 đồng/kg) cũng chỉ ở ngưỡng 30 triệu đồng, chia cho trung bình mỗi gia đình là 5 người, tương đương 6 triệu đồng/người/năm. Tính ra thu nhập khoảng 500.000 đồng/người/tháng. Khoản thu nhập này phải chi đủ thứ: cưới hỏi, ma chay, học hành, trị bệnh… Trong khi đi làm công nhân thu nhập ít nhất cũng phải 2 triệu đồng/người/tháng. Đây là bài toán khó trong thời gian tới.

Chỉ làm một phép so sánh như vừa rồi, nông dân nghĩ sao về nghề trồng lúa. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nhiều chính sách qui định đang “siết chặt” diện tích đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Người kinh doanh mua bán có nhiều lựa chọn ngành nghề nhưng nông dân có nhiều lựa chọn sản xuất hay không? Đây là cái khó cho nông dân! Muốn đảm bảo an ninh lương thực tốt, nông dân giữ ruộng, trồng lúa… phải có chế độ, chính sách cụ thể đối với họ. Nếu không, nông dân tính sơ sơ thì thua xa với đi làm công nhân…

Thực tế nhiều nông dân đã bỏ ruộng để vào làm ở khu công nghiệp vì sản xuất nông nghiệp thu nhập không bằng đi làm ở khu công nghiệp. Tuổi trẻ nông thôn bỏ ruộng đồng về thành thị ngày càng nhiều. Câu hỏi đặt ra, sau này ai sẽ là người trồng lúa?

Hiện mỗi năm lượng gạo hàng hóa buôn bán trên thế giới khoảng 25-30 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam đóng góp 6 – 8 triệu tấn, trên 20% lượng gạo bán buôn trên thế giới. Đây là sự đóng góp rất lớn của nông dân ĐBSCL. Thế giới rất phục Việt Nam về lĩnh vực này! Nhưng hiện có những gia đình nông dân rất khổ: con vào đại học không có tiền phải cho nghỉ hoặc bán đất cho đi học; một số gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo phải bán đất để trị bệnh…

Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, nghịch lý hiện nay là chúng ta đầu tư "ngược chiều" cho nông nghiệp: Các nhà khoa học có ý tưởng về sản xuất giống lúa, rồi xin tiền nhà nước nghiên cứu, báo cáo thành công đưa cho nông dân sản xuất, có gì bán nấy! Ở một số nước, viện nghiên cứu nằm trong công ty. Vì viện nghiên cứu này nắm bắt thị trường rồi mới đặt hàng cho nhà khoa học. Các nhà khoa học làm theo đặt hàng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cung cấp cho nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp về chất lượng, sản lượng và đầu tư tập trung hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tăng chuỗi giá trị của lúa gạo, tránh tình trạng trúng mùa mất giá.

Tái cơ cấu bắt đầu từ phát triển thị trường!

“Vì sao nông dân ĐBSCL làm ra nhiều lúa, bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp chính cho xuất khẩu, đưa Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu nhưng họ vẫn nghèo” - câu hỏi này lâu nay luôn làm chúng ta day dứt và chưa có lời đáp thỏa đáng.

Cơ giới hóa sẽ gia tăng lợi nhuận cho nông dân
Cơ giới hóa sẽ gia tăng lợi nhuận cho nông dân

“Lâu nay, không ít nông dân có thói quen “bám theo đuôi thị trường” – thấy cây, con gì được giá thì đua nhau trồng, dẫn đến dư thừa, giá rớt thảm hại. Đó là một thực tế, nhưng chúng ta không thể đổ lỗi hết cho nông dân. Khát vọng làm giàu luôn cháy bỏng trong mỗi gia đình làm nghề nông. Nông sản rớt giá, nông dân thua thiệt, chúng ta cần nhìn lại cách quản trị, điều hành kinh tế từ cấp nhà nước đến địa phương. Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh hiện nay: hàng nông sản khó tìm đầu ra hay chúng ta chưa định hình rõ nét nền sản xuất nông nghiệp đáp ứng đúng theo nhu cầu thị trường” – ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang chia sẻ!

“Điều quan trọng không phải là số lượng nông sản chúng ta đứng nhất thế giới, cái chính là nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân. Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp phải bắt đầu từ phát triển thị trường, tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp áp dụng giống mới, tiếp cận nhiều hơn qui trình sản xuất, cơ giới hóa, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản” – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định.

Điểm sáng trong bối cảnh xuất khẩu gạo là sự tăng vọt của phân khúc gạo thơm. Xuất khẩu gạo Việt Nam, từ con số 500.000 tấn cách đây vài năm, năm 2015 đã đạt mốc 1,5 triệu tấn gạo (tương đương 3 triệu tấn lúa), tăng gần 60% so với năm 2013. Thực tế, Sóc Trăng là một trong những địa phương đã kiên trì để có được các giống lúa thơm mang tên ST của Sóc Trăng hiện nay đạt giá trị xuất khẩu từ 600 – 700 USD/tấn gạo. Nhiều doanh nghiệp trong vùng đã và đang đầu tư vào nhiều vùng nguyên liệu tại Sóc Trăng để tạo lập thương hiệu, và có thị trường tiêu thụ gạo thơm ổn định ở một số nước.

Dẫu vậy, nhưng ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, lại có cách nhìn khá mới: “Phần lớn hàng nông sản ở ĐBSCL xuất khẩu dạng thô, các mặt hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng chưa nhiều - đây là khiếm khuyết lâu nay. Với sản lượng khoảng 25 triệu tấn/năm, có thể nói nguồn cung lúa, gạo của ĐBSCL khá dư thừa, giá gạo xuất khẩu thấp".

Kinh tế thị trường theo xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng. Nông nghiệp vẫn là “bà đỡ” của kinh tế ĐBSCL. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề, việc triển khai các giải pháp để giúp nông dân trồng lúa cần tiếp cận cách sản xuất mới, thích nghi với cả biến đổi khí hậu và hội nhập là rất cấp bách!

Phạm Tâm – Tường Vy

Sao nông dân trồng lúa mãi nghèo? - 3