1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Đừng ép nông dân phải trồng lúa

Đó là quan điểm của TS Nguyễn Trí Ngọc người chấp bút soạn thảo Nghị định 42 về chính sách hỗ trợ người trồng lúa trước hiện tượng nông dân ở miền Bắc chán ruộng.

TS Ngọc cho biết: Đồng bằng sông Hồng có đặc điểm đất chật, người đông, diện tích bình quân đầu người rất thấp khoảng 360m2, manh mún. Sản xuất lúa hàng hóa cũng có, nhưng không nhiều nếu so sánh với đồng bằng sông Cửu Long. Bài toán đặt ra là với những đặc điểm trên làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người nông dân (ND).

 

Đừng ép nông dân phải trồng lúa
Chi phí sản xuất tăng nhưng giá bán nông sản thấp nên nhiều nông dân đang chán làm ruộng (ảnh minh họa).

TS Nguyễn Trí Ngọc cho rằng: “Vừa rồi, Chính phủ giao cho các địa phương trong kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất nói chung phải có kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất lúa nói riêng để trên tổng thể của toàn quốc đảm bảo giữ ổn định 3,8 triệu ha. Đây là nguyên lý, nhưng không bất di bất dịch là đất trồng lúa chỉ được phép trồng lúa. Trong sử dụng đất lúa, có một tư duy quan trọng là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa để nâng cao giá trị thu nhập. Theo tôi cần chủ động chuyển đổi cây trồng ở những nơi trồng lúa kém hiệu quả, khó khăn, không mang lại giá trị gia tăng cho ND”.

 

Đầu vào tăng, đầu ra giảm

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở miền Bắc, nhất là đồng bằng sông Hồng, lợi nhuận của người trồng lúa rất thấp, chủ yếu là lấy công làm lãi, thu nhập chỉ có 4.100 đồng/ngày. Theo ông, nguyên nhân sâu xa ở đây là gì?

 

Sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng, kể cả những năm được mùa được giá thì tính thu nhập của người ND không thể bằng lao động trong lĩnh vực khác. Sâu xa phải nói đến bản chất của sản xuất nông nghiệp là thu nhập thấp, bấp bênh, vì giá nông sản trên thị trường hiện nay không có sự nâng đỡ của Nhà nước.

 

Đặc biệt, thu nhập từ sản xuất lúa, 1 sào cao thì được 2 tạ, trừ chi phí giống, thuốc BVTV, phân bón, công làm đất, cấy, thu hoạch, phơi sấy… kể cả chi phí của lao động, nếu bán với giá 5.000 đồng/kg thì chỉ lợi nhuận cao nhất chỉ 20- 25%, tức là 1kg thóc ND lãi được 1.000 đồng là cao.

 

Còn một thực tế nữa là, mấy năm gần đây chúng ta phấn đấu trồng 500.000ha cây vụ đông, nhưng càng ngày càng giảm vì hiệu quả thấp. Cùng với xu hướng thế giới, giá nông sản trong nước có xu hướng giảm, đồng nghĩa với giá trị ngày công, giá trị thu nhập ND bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các loại dịch vụ khác thì giá liên tục tăng, không có điểm dừng như điện, vật tư nông nghiệp…

 

Đầu ra xu hướng giảm, đầu vào xu hướng tăng, tất yếu dẫn đến ND chán ruộng, bỏ ruộng và cố gắng tìm việc khác thu nhập cao hơn.

 

Thực tế, trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách để tăng “sức đề kháng” cho người ND như Nghị định 42 hỗ trợ 500.000 đồng/ha đối với người trồng lúa. Song xem ra các chính sách hỗ trợ của chúng ta vẫn chưa đủ liều?

 

Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp trong thời gian qua, ngày càng thấp đi, tiền thực tế ND thu vào túi càng thấp đi. Bài toán bây giờ là giảm đầu vào, tăng đầu ra, nhưng đầu vào khó giảm, đầu ra khó tìm kiếm thị trường. Đây là bài toán đau đầu của những người làm nông nghiệp hiện nay.

 

Thực tế này T.Ư có biết và đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ người trồng lúa như Quyết định 142, Nghị định 42, chính sách miễn thủy lợi phí, chính sách khuyến nông theo Nghị định 02… Tuy nhiên, đúng là trên thực tế cũng có chính sách vào cuộc sống nhưng cũng có những chính sách chưa đi vào cuộc sống.

 

Phải chấp nhận… nông dân chán ruộng

 

Vậy phải giải quyết bài toán thu nhập của ND miền Bắc như thế nào, thưa ông?

 

Nói thì dễ nhưng làm rất khó. Theo tôi, chúng ta cần phải thay đổi tư duy từ nhận thức đến việc làm. Ngay vụ xuân chắc ăn nhất đối với người trồng lúa, nhưng những năm hạn chuyển dịch sang trồng cây màu ngắn ngày để sử dụng nước ít đi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng chuyển đổi cũng rất khiêm tốn.

 

Để tự túc thì được, nhưng để sản xuất hàng hóa thì luôn luôn đặt vấn đề làm cái gì, bán ở đâu, có hiệu quả hay không (hiệu quả là so với cây lúa trong cùng điều kiện). Điều này lại có mối quan hệ gắn bó với ngành chăn nuôi, nhưng thực tế hiện nay ngành chăn nuôi còn khó khăn hơn ngành trồng trọt...

 

Thu nhập từ nông nghiệp thấp dẫn đến hiện tượng ND ở một số địa phương miền Bắc chán ruộng, bỏ ruộng. Việc này đã đến mức báo động chưa?

 

Chúng ta không nên lo lắng và quá bi quan. Phải hướng đến sản xuất hàng hóa và kiên trì hướng đến sản xuất hàng hóa, nếu không ND miền Bắc vẫn lại quay trở lại thời kỳ tự cấp tự túc. Muốn vậy thì phải dồn điền đổi thửa, mở rộng hạn điền.

 

Chúng ta cũng nên chấp nhận thực trạng ND chán ruộng, bỏ ruộng. Đây là hiện tượng bình thường vì theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường. Đây cũng là tín hiệu để những nhà hoạch định chính sách thay đổi tư duy hạn điền, mô hình tổ chức. Đừng ép ND không thích trồng lúa vẫn phải trồng lúa, trong khi người ta có thể kiếm được những việc làm khác nhiều tiền hơn.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Hữu Thông (thực hiện)

Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm