S-Fone tái sinh hay chết?

Từ 5-6% thị phần năm 2010, đến năm 2011, thị phần của S-Fone chỉ còn 0,53%! Ít ai tin nhà mạng này sẽ sống được.

Tuần qua, S-Fone thêm một lần nữa gây xôn xao khi chấm dứt hợp đồng lao động với tất cả nhân viên.

 

S-Fone chưa bao giờ thông báo giải thể, chấm dứt hoạt động hay bất kỳ công bố liên quan nào cảnh báo đến khả năng người lao động sẽ mất việc. Bỗng nhiên, tất cả nhân viên của S-Fone và có thể là cả Tổng Giám đốc Phạm Tiến Thịnh bị chấm dứt hợp đồng lao động. Điều gì đang xảy ra?

 

Không hẹn ngày gặp lại

 

Việc chấm dứt hợp đồng lao động này được giải thích là để chấm dứt Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), kết thúc hoạt động dưới hình thức Trung tâm S-Telecom. Sau đó, Hãng sẽ chuyển thành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thông tin và Viễn thông Di động S-Telecom.

 

Bà Trần Thị Ngọc Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), công ty mẹ của S-Fone, cho biết cần phải lập hợp đồng mới khi công ty chuyển sang mô hình mới. Tuy nhiên, những nhân viên này có được tái ký hợp đồng hay không là điều chưa ai biết được.

 

Nhưng chuyện chưa dừng ở đó. Nhà mạng này còn đang vướng phải một vấn đề nữa với người lao động, đó là việc các nhân viên không chấp nhận nghỉ việc khi chưa nhận đủ lương và trợ cấp. Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động do SPT và đại diện công đoàn bàn bạc chứ không hề dựa trên thỏa thuận với người lao động. Ngày 13/7, hơn 30 nhân viên từng công tác tại S-Fone Đà Nẵng đã tập trung tại chi nhánh SPT Đà Nẵng để yêu cầu Công ty trả nợ.

 

Bà Bình cho biết hiện nay, Ban Điều hành đang sắp xếp, giải quyết để trả cho người lao động. “Doanh nghiệp không từ bỏ trách nhiệm với người lao động. Chỉ có điều trong hoàn cảnh khó khăn thì chưa làm đúng như mong muốn”, bà cho biết.

 

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng SPT và S-Fone cho nhân viên nghỉ hàng loạt là sai Luật. Doanh nghiệp phải thông báo trước cho nhân viên 30-45 ngày và thanh toán đầy đủ lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội... và chuyển nhân viên sang nơi làm việc khác.

 

Ông này cũng cho biết thêm, chi nhánh SPT tại Đà Nẵng đã vi phạm pháp luật khi chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên đến tháng 1/2012. “Họ mượn cớ cơ cấu công ty để chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên và nợ tiền họ như vậy thì vốn kinh doanh của họ ở đâu ra? Tôi nghĩ những chuyện này xuất phát từ việc kinh doanh không hiệu quả của S-Fone”, ông Hậu nhận định.

 

Tái sinh nổi không?

 

S-Fone rõ ràng đang đứng trước những biến động khó xử, từ việc đối tác nước ngoài rút vốn, thay đổi lãnh đạo, tiền không đủ để tiếp tục đầu tư, chấm dứt hợp đồng lao động với toàn bộ nhân viên, nợ lương... Có vẻ Hãng đang trên đường suy sụp nhiều hơn là tái sinh.

 

Theo thống kê của sách trắng về Công nghệ thông tin năm 2011, từ 5-6% thị phần năm 2010, đến năm 2011, S-Fone chỉ còn 0,53% thị phần. Lượng thuê bao của Hãng cũng rơi rụng nhanh chóng. Một khách hàng tại TP.HCM vốn dùng mạng S-Fone nhưng vài tháng nay đã không thể sử dụng vì sóng yếu, không mua được thẻ để nạp tiền. Đó cũng là một thực trạng đáng buồn đang xảy ra với nhà mạng này.

 

Nguyên nhân của những sự suy giảm đáng kể này chung quy là do thiếu tiền. Đối tác SK Telecom đã rút vốn, SPT kinh doanh không tốt và cũng không nhiều tiền để bơm thêm cho S-Fone. Và Saigontel sau khi quyết định đầu tư vào nhà mạng này cho đến nay cũng chưa làm được gì.

 

Ông Hoàng Mạnh Cường, Tổng Giám đốc CMC Telecom, cho rằng với cuộc đua tỉ đô trong lĩnh vực mạng di động, S-Fone không đủ tiềm lực tài chính để theo và đang chết lâm sàng. Ông cho rằng khả năng phục hồi của nhà mạng này là rất nhỏ.

 

Còn Tổng Giám đốc S-Fone Phạm Tiến Thịnh, trong thông báo chính thức gửi nhân viên, đã gửi lời cảm ơn đến nhân viên và hy vọng S-Telecom sẽ sớm khôi phục hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, những chi nhánh, đại lý của S-Fone ở các tỉnh cũng đã đóng cửa gần hết.

 

Theo Lan Ca

NCĐT