Những chặng đường "vang bóng một thời" của S-Fone
Mặc dù đang gần như cầm chắc thất bại trong tay,S-Fone vẫn là thương hiệu viễn thông di động mà người tiêu dùng Việt khó có thể quên được. Bởi nhờ sự xuất hiện của nó mà thị trường di động Việt Nam xóa bỏ được sự độc quyền.
S-Fone là thương hiệu của Trung tâm điện thoại di động CDMA S-Telecom, bắt đầu cung cấp dịch vụ từ tháng 07/2003 và là nhà cung cấp dịch vụ thoại qua CDMA duy nhất tại Việt Nam hiện nay. S-Telecom ra đời từ hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa 2 đối tác. Trong đó, đối tác phía Việt Nam là Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài gòn (SPT) và đối tác nước ngoài là SLD Telecom (liên doanh giữa SK Telecom - mạng di động lớn nhất Hàn Quốc với hơn 50% thị phần tại nước này, LG Electronics và DongA Elecom, trong đó SK Telecom chiếm phần lớn vốn). Đây là nhà cung cấp dịch vụ di động công nghệ CDMA đầu tiên của Việt Nam.
Đây là bước ngoặt quan trọng của thị trường di động Việt Nam bởi trước khi có S-Fone, Việt Nam chỉ có hai mạng di động VinaPhone và MobiFone đều thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam. Bởi vậy, những kỳ vọng đối với thương hiệu này không ít.
S-Fone bắt đầu cung cấp dịch vụ tại Việt Nam từ tháng 07/2003. Trước đó, Việt Nam chỉ có hai mạng di động VinaPhone và MobiFone đều thuộc VNPT. |
Đầu tư vào thị trường Việt Nam, ban đầu SK Telecom không chỉ nhìn thấy tiềm năng lớn với dân số đông (hơn 78 triệu người vào thời điểm năm 2000), trẻ, năng động và kinh tế tăng trưởng với tốc độ ổn định, cao. Ngoài ra, SK Telecom nhắm tới các thị trường hải ngoại, trong đó có Việt Nam, nhằm tìm nguồn tăng trưởng doanh thu mới trong khi thị trường nội địa có dấu hiệu bão hòa.
Tháng 5/2007, các bên hợp doanh đã ra tuyên bố nâng tổng vốn đầu tư hạ tầng cho S-Fone lên 543 triệu USD.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2009, SK Telecom thông báo chấm dứt hợp tác đầu tư vào S-Fone. Theo hợp đồng BCC, hình thức duy nhất cho phép nước ngoài tham gia vào thị trường thông tin di động Việt Nam lúc bấy giờ, SK Telecom chỉ tham gia với vai trò là bên đầu tư hạ tầng mạng, chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật. Ngay từ đầu, SK Telecom đã cho biết BCC là mục tiêu tạm thời trong khi chờ Việt Nam gia nhập WTO, mở cửa thị trường viễn thông. Từ năm 2005, SK Telecom đã ngỏ ý chính thức về mong muốn được chuyển S-Fone thành liên doanh để SK Telecom có thể tham gia sâu hơn vào các quyết định quản lý, kinh doanh dịch vụ.
Nhưng các cuộc đàm phán chuyển đổi BCC của S-Fone bị sa lầy cho đến tận cuối tháng 12/2009 trong khi thị trường đã có thêm nhiều người chơi mới như Viettel, HT Mobile, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Mặc dù S-Fone đem lại nhiều sự mới lạ và thậm chí đôi lúc là tiên phong trong cách tính cước (như block 6 giây), cung cấp dịch vụ thoại có hình (video call), Internet mobile, Mobile TV… nhưng S-Fone đã bị Viettel (mạng di động ra mắt sau S-Fone một năm) phủ bóng và hụt hơi trong cuộc chơi giảm cước như vũ bão của ba “đại gia” di động công nghệ GSM là MobiFone, VinaPhone và Viettel.
Sau nhiều năm chật vật tại thị trường Việt Nam, cuối cùng, vào cuối năm 2009, SK Telecom chính thức tuyên bố dừng đầu tư vào S-Fone. Đầu năm 2010, SK Telecom cho biết sẽ đóng cửa văn phòng Hà Nội. Văn phòng ở TP HCM khi đó chỉ được duy trì để giải quyết công việc tồn đọng.
Ngày 20/11/2009, SKTV và Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài gòn (SPT) đã ký nguyên tắc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ BCC sang Liên doanh và SPT cam kết đầu tư mạnh vào S-Fone từ năm 2010 với việc tăng thêm mật độ phủ sóng lên gấp đôi trong năm 2010, chuyển đổi từ công nghệ EVDO Rev0 lên EVDO RevA trên toàn quốc nhằm cung cấp các dịch vụ 3G và tăng tốc độ download lên đến 3.8Mbit/s.
Việc SK Telecom tuyên bố rút khỏi dự án S-Fone khiến Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài gòn (SPT) buộc phải tìm đối tác cho mạng S-Fone. Đó cũng là thời điểm công nghệ CDMA bị khai tử tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sau đó, SaigonTel mua cổ phần của SPT và tham gia Hội đồng quản trị của công ty, đồng thời có nhiệm vụ tìm kiếm đối tác cả trong và ngoài nước để đầu tư vào mạng S-Fone. Song đến nay, điều đó vẫn chưa thực hiện được.
Về thị phần khách hàng của S-Fone, theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2008, S-Fone có hơn 3,1 triệu thuê bao. Tuy nhiên con số này sau đó ngày càng giảm dần vì đa số người dùng thích các mạng GSM hơn, S-Fone cũng từ từ cắt giảm các trạm thu phát sóng của mình trên toàn quốc.
Cuối năm 2010, thị phần viễn thông di động của S-Fone ở vào khoảng 6-7% thị trường. Khi đó, ông Nguyễn Tiến Thịnh, Tổng Giám đốc S-fone, kỳ vọng hãng sẽ đạt 12% thị phần vào năm 2012.
Đã hết nửa đầu năm 2012, S-Fone vẫn chưa đạt được điều đó. Theo Sách trắng về công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố năm 2011, khoảng 95% thị trường viễn thông di động đã nằm trong tay Viettel, Mobifone và VinaPhone. S-Fone, Vietnamobile, Beeline và EVN Telecom chia nhau 5% còn lại. Trong đó S-Fone chỉ chiếm 0,53% thị trường. Số liệu này cho thấy thị phần của S-fone đã giảm thay vì tăng lên mốc 12% như kỳ vọng.
Hiện S-fone đã gần như ngừng hoạt động tại Việt Nam. Nhiều cửa hàng đang lần lượt đóng cửa. |
Mới đây, hồi giữa tháng 4/2012, S-Fone đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý cho chuyển đổi từ công nghệ CDMA sang HSPA để tiến lên 3G (con đường mà các mạng lớn ở Việt Nam đang đi).
Tuy nhiên, để chuyển đổi, S-fone có rất nhiều việc phải làm. Trước hết, hãng phải bỏ hầu như toàn bộ mạng vô tuyến và chỉ tận dụng được một số bộ phận cơ bản như truyền dẫn, nhà trạm. Ông Hoàng Mạnh Cường, Tổng Giám đốc CMC Telecom, cho rằng cuộc "thay máu" này sẽ là cuộc chơi tỉ USD, thậm chí nhiều tỷ USD. Ông cho biết để phủ sóng những thành phố chính ở Việt Nam, phải cần đến 10.000 trạm thu phát sóng. Trong khi đó, S-Fone chỉ có chưa đến 500 trạm. Chi phí xây dựng trạm thu phát sóng rất lớn, chưa kể các chi phí khác như truyền dẫn, cáp...
Hiện S-Fone đã gần như ngừng hoạt động tại Việt Nam. Các thuê bao của S-fone ở khu vực TP HCM và các tỉnh miền Tây đang rơi vào tình trạng mất sóng triền miên, bên cạnh đó nhiều cửa hàng cũng lần lượt đóng cửa. Trước đó vài ngày, S-Fone cũng đã chấm dứt hợp đồng lao động với tất cả cán bộ nhân viên Trung tâm S-Telecom với lý do chuyển đổi mô hình hoạt động. Tại S-Fone Đà Nẵng, từ đầu tháng 3 năm nay, nhiều nhân viên đã nhận được quyết định bị thôi việc vì lý do tái cơ cấu.
Trao đổi với báo giới, một cựu lãnh đạo cấp cao của S-fone cho biết, có 4 nguyên nhân dẫn tới thất bại của mạng di động này. Thứ nhất, chiến lược kinh doanh tới đâu phủ sóng tới đó là sai lầm.
Thứ hai, mạng CDMA nhận được hỗ trợ rất ít từ các hãng máy điện thoại đầu cuối.
Thứ ba, những rắc rối trong việc vận hành mô hình hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa Saigon Postel và SK Telecom làm cho các quyết định kinh doanh được đưa ra chậm. Thứ tư, chính sách quản lý thời kỳ ban đầu không cho phép S-fone đưa ra những chương trình mang tính đột phá để tạo ra cú huých mạnh đối với sự phát triển.
Vị lãnh đạo này nói thêm, khi muốn có một chương trình giảm cước hay khuyến mại gây sốc, S-fone đều cần phải xin phép cơ quan quản lý. Tuy nhiên, hầu hết các chương trình được tung ra đều không đủ độ mạnh cần thiết, cũng không kịp thời nên các cơ hội kinh doanh cứ trôi dần.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (tiền thân của Bộ Thông tin Truyền thông) cho biết, không có chuyện cơ quan quản lý hạn chế sự phát triển của mạng có yếu tố nước ngoài. Trước S-fone, Việt Nam đã có MobiFone hoạt động theo mô hình tương tự. "Tất cả các công ty hoạt động đều phải tuân theo quy định của pháp luật. Trường hợp của S-fone là chiến lược đầu tư về vùng phủ sóng không đúng", ông Trực nói.