1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

S-Fone vào thế đường cùng

Đã không tìm được “Mạnh Thường quân” đầu tư vốn, S-Fone còn liên tục bị tố nợ tiền trợ cấp thôi việc và bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

S-Fone đang rất “khát” vốn để đầu tư công nghệ mới.
S-Fone đang rất “khát” vốn để đầu tư công nghệ mới.
 
Đã hơn nửa năm kể từ khi nhận được quyết định chuyển đổi từ mô hình Trung tâm Điện thoại di động CDMA (S-Fone) sang Công ty TNHH Thông tin và Viễn thông di động S-Telecom, nhưng S-Fone vẫn chưa tìm được nguồn vốn đầu tư để thực hiện cuộc thay máu về công nghệ cũng như thúc đẩy các hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, hai “phao cứu sinh” của S-Fone là Công ty cổ phần Dịch vụ bưu chính - viễn thông Sài Gòn (SPT, đơn vị nắm trên 50% vốn trong S-Fone) và SaigonTel (đối tác chiến lược của SPT) cũng đang trong giai đoạn “phải tự cứu mình”.

 

Trong những lần trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tiến Thịnh, Giám đốc điều hành S-Fone cho biết, SPT đang tìm kiếm nguồn đầu tư tài chính cho S-Fone. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khó có “Mạnh Thường quân” nào dám chi tiền để bước vào cuộc chơi mạo hiểm với S-Fone.

 

Không chỉ không tìm được “Mạnh Thường quân”, gần đây, S-Fone còn liên tục bị tố nợ tiền trợ cấp thôi việc và bảo hiểm xã hội từ phía người lao động đã nghỉ việc. Được biết, mới đây, S-Fone đã đơn phương thông báo kết thúc hợp đồng lao động với tất cả cán bộ, nhân viên đang làm việc để phục vụ việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty TNHH.

 

Thông báo do ông Phạm Tiến Thịnh, Giám đốc điều hành S-Fone ký, ghi rõ: “S-Telecom chính thức kết thúc hợp đồng lao động với tất cả cán bộ, công nhân viên kể từ ngày 11/6/2012”, nhưng lại không đề cập việc người lao động có tiếp tục được ký lại hợp đồng lao động khi S-Fone hoàn tất việc chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH hay không.

 

Theo một nguồn tin của Báo, việc chấm dứt hợp đồng lao động trên của S-Fone hoàn toàn không dựa trên sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động, mà dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa đại diện của SPT với đại diện công đoàn của công ty này.

 

Sở dĩ, S-Fone không đạt được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với người lao động vì phần lớn người lao động đang làm việc tại S-Fone lo ngại về khả năng S-Fone không thanh toán các khoản tiền sau khi chính thức thôi việc, nên đã không nộp đơn xin thôi việc hoặc chấp nhận đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động.

 

Nghi ngờ này không phải không có căn cứ khi hàng loạt người lao động tại S-Fone đã nghỉ việc từ trước khi thông báo trên được ký, nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán trợ cấp thôi việc, lương, bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội.

 

Gần đây nhất, ngày 13/7, hơn 30 nhân viên làm việc tại Chi nhánh S-Fone tại Đà Nẵng đã được cho thôi việc từ ngày 1/3/2012 tụ tập tại văn phòng để đòi giải quyết các quyền lợi của người lao động khi nghỉ việc.

 

Trước đó, ngày 12/7, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã mở phiên toà xét xử đơn kiện của một cán bộ thuộc bộ phận Call Center của S-Fone tại Hà Nội về việc Chi nhánh S-Fone Hà Nội nợ hơn 80 triệu đồng tiền trợ cấp thôi việc, tiền lương và bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc. Tuy nhiên, phiên tòa đã phải tạm hoãn, do đại diện của S-Fone tại Chi nhánh Hà Nội không có mặt.

 

Phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Tiến Thịnh, Giám đốc điều hành mạng S-Fone qua điện thoại để tìm hiểu rõ thông tin về việc chấm dứt hợp đồng lao động với tất cả nhân viên của S-Fone, nhưng thuê bao hiện không thể liên lạc được. Còn số tổng đài của Công ty (08 40400079) thì được thông báo là số máy không có thực và yêu cầu quay số 08 54040116, nhưng khi quay số máy mới này lại được chỉ dẫn gọi vào số 18007116 - số tổng đài tự động của Trung tâm Điện thoại SPT.

 

Theo Đức Huy

Đầu tư