S-Fone bị "tố" bỏ rơi người lao động
(Dân trí).- Sáng 13/7, hơn 30 nhân viên làm việc tại viên văn phòng Chi nhánh Trung tâm điện thoại di động CDMA S-Fone tại Đà Nẵng đã tụ tập tại văn phòng này để khiếu nại, đòi quyền lợi lao động chính đáng trong thời gian qua.
Theo đơn tập thể của các nhân viên này cho biết, vào ngày 1/3/2012 họ đã bị doanh nghiệp thông báo cho thôi việc với lý do tái cơ cấu công ty và cam kết sẽ thanh lý xong các hợp đồng lao động vào ngày 15/4.
“Khi chúng tôi kiến nghị thì công ty lại trì hoãn việc thanh lý đến 31/5/2012 với thông báo số 30, rồi lại tiếp tục trì hoãn đến 11/6/2012 với lý do là để Công ty có thời gian sắp xếp thanh toán Bảo hiểm xã hội và các khoản công nợ với người lao động theo đúng Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội”, đơn kêu cứu của các nhân viên S-Fone Đà Nẵng viết.
Cũng theo đơn của các nhân viên S-Fone: Đến nay, sau thời điểm Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và hứa thanh toán chế độ chính sách cho người lao động, chúng tôi vẫn chưa nhận được gì ngoài các quyết định cho nghỉ việc vào ngày 11/6/2012.
Lãnh đạo Chi nhánh S-Fone Đà Nẵng cũng cam kết giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân viên trước ngày 11/6/2012. Tuy nhiên, đến ngày 13/7/2012, các cam kết của doanh nghiệp vẫn chưa được thực hiện, phía công ty CP Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn, chủ quản S-Fone cũng không có động thái nào liên lạc với người lao động.
Chị Phan Thị Thanh Thủy, nhân viên ở đây cho biết: “Trước khi ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chúng tôi, Công ty mới chỉ trả lương cho chúng tôi đến ngày 15/4/2012. Từ thời điểm đó đến khi ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (ngày 11/6/2012), Công ty vẫn còn nợ lương chúng tôi.”
Do đó, các nhân viên S-Fone Đà Nẵng đã thống nhất khiếu nại tập thể, yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng trả lời và giải quyết dứt điểm các chế độ cho họ theo luật định để họ còn thời gian đi kiếm việc làm nơi khác.
Theo các nhân viên, tính đến thời điểm công ty chấm dứt hợp đồng lao động, hàng tháng công ty vẫn khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp từ lương của họ nhưng trên thực tế công ty mới chỉ đóng BHXH cho họ đến tháng 1/2010.
Các nhân viên S-Fone Đà Nẵng còn cho biết, do doanh nghiệp chỉ mới đóng BHXH cho họ đến đầu năm 2010, nên phần lớn các lao động bị nghỉ việc đã chịu thiệt thòi suốt thời gian qua như không được hưởng chế độ thai sản, nghỉ phép, trợ cấp mất việc… Thực tế, nhiều nhân viên ở đây đã sinh đến con thứ hai nhưng chế độ nghỉ thai sản của đứa con đầu đến nay vẫn chưa được thanh toán vì Công ty nợ BHXH.
“Chúng tôi là những người lao động nên cuộc sống phụ thuộc rất nhiều vào đồng lương và các chế độ trợ cấp của BHXH, nhưng trong quá trình làm việc tại Công ty CP Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn, quyền lợi của chúng tôi không được người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến nhưng Công ty chỉ hứa suông sau đó lại bỏ mặc. Điều này cho thấy Công ty không tôn trọng quyền lợi của người lao động”, chị Phan Thị Thanh Thủy trình bày.
Vừa qua, các nhân viên ở đây cũng đã gởi đến các cơ quan có thẩm quyền Đà Nẵng nhờ can thiệp để Công ty CP Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn phải thanh toán những chế độ như: Trả lương tháng từ 15/4/2012 đến 11/6/2012 còn nợ; trả 1/2 lương tháng thứ 13 năm 2011 mà công ty đã cam kết; trả trợ cấp mất việc làm (từ năm 2008 về trước); bồi thường tiền trợ cấp thất nghiệp do Công ty không thực hiện nghĩa vụ đóng nên họ không được trợ cấp; trả tiền BHXH, BHYT, BHTN Công ty đã trích từ lương của họ nhưng không thực hiện việc đóng bảo hiểm theo quy định; trả tiền BHXH, BHYT, BHTN mà Công ty phải đóng cho họ theo quy định của pháp luật tính từ ngày Công ty ngừng đóng đến ngày Công ty chấm dứt hợp đồng lao động (ngày 11/06/2012).
Sau khi gặp lãnh đạo S-Fone Đà Nẵng, các nhân viên cho biết, họ cũng chỉ nhận được hứa hẹn sẽ đề nghị Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn giải quyết vì mọi chuyện đều phụ thuộc. Còn lãnh đạo ở đây cũng như họ, nghĩa là cũng… sắp mất việc.
Công Bính