Rời Nga, nhiều doanh nghiệp phương Tây mất cả trăm tỷ USD

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Nga đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt với các công ty nước ngoài muốn thoái vốn. Chính vì vậy, nhiều công ty phải bán tài sản với giá rẻ hoặc thoái vốn trên danh nghĩa chỉ 1 rúp nhằm hạn chế thiệt hại.

Theo hồ sơ và báo cáo tài chính, các công ty phương Tây đã rời khỏi thị trường Nga nhằm tránh những lệnh trừng phạt đã hứng chịu khoản lỗ hơn 107 tỷ USD, cả về doanh thu lẫn giá trị tài sản. So với tháng 8 năm ngoái, thiệt hại này đã tăng 30%.

Những khoản lỗ chủ yếu đến từ các quy định của Moskva đối với công ty nước ngoài muốn thoái vốn, bao gồm chiết khấu 50% tài sản của họ và một khoản phí bắt buộc đối với ngân sách Nga ít nhất là 10% giá trị công ty chi nhánh. Nga cũng đang siết dần quy định với các công ty muốn rút khỏi đây.

"Khi chiến sự Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn và phương Tây ngày càng siết trừng phạt với Moskva, các doanh nghiệp rời Nga sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Họ sẽ phải chấp nhận thiệt hại lớn", ông Ian Massey, chuyên gia tại hãng tư vấn rủi ro toàn cầu S-RM, chia sẻ với Reuters.

Một số công ty phương Tây chấp nhận thoái vốn trên danh nghĩa chỉ 1 rúp nhằm hạn chế thiệt hại, điển hình như Renault - công ty sản xuất ô tô Pháp. Dù vậy, công ty này vẫn gánh khoản lỗ hơn 2 tỷ USD khi rút khỏi thị trường lớn thứ hai của mình.

Rời Nga, nhiều doanh nghiệp phương Tây mất cả trăm tỷ USD - 1

Các công ty phương Tây thiệt hại lớn khi thoái vốn khỏi Nga (Ảnh: Sputnik).

Năm nay, số tài sản mà doanh nghiệp phương Tây bán ra khoảng 10 tỷ USD và được giảm giá tới 90%. Tuần trước, hãng thực phẩm Danone cũng thông báo đã được phép bán tài sản tại Nga và chấp nhận lỗ 1,3 tỷ USD.

Nhiều công ty sản xuất hàng tiêu dùng và sản phẩm dân dụng dù tuyên bố thu hẹp quy mô nhưng không có động thái thoái vốn khỏi Nga, và đưa ra lý do rằng người dân Nga cần đến sản phẩm của họ. Một số người cũng thừa nhận rằng việc rút vốn sẽ khiến họ phải trả giá quá đắt.

Theo Đại học Yale (Mỹ), hơn 1.000 công ty phương Tây thoái vốn khỏi Nga sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra. Tuy nhiên công ty dữ liệu KSE cho rằng con số này chỉ vào khoảng 372 công ty. Vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp khác, trong đó có đại gia bán lẻ Pháp Auchan và các gã khổng lồ hàng tiêu dùng Nestle, Unilever vẫn đang hoạt động tại đây.

Sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Moskva. Các biện pháp này dẫn đến những vấn đề đáng kể cho các công ty phương Tây hoạt động ở Nga, bao gồm cả vấn đề thanh toán và chuỗi cung ứng.

Theo Reuters, RT