1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ấn Độ tích cực mua dầu của Mỹ sau khi quay lưng với Nga

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Sau khi dòng chảy dầu của Nga bị tắc nghẽn vì các lệnh trừng phạt, Ấn Độ đã đẩy mạnh nhập dầu của Mỹ. Các tập đoàn dầu khí lớn tại Ấn Độ đã đặt mua khoảng 7 triệu thùng dầu thô Mỹ giao trong tháng 4.

Dòng chảy dầu thô của Nga sang Ấn Độ tăng mạnh khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn là nhà cung cấp lớn nhất cho Ấn Độ, nhưng các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn của Mỹ đã khiến dòng chảy này bị tắc nghẽn.

Các thương nhân cho biết Tập đoàn Dầu khí Bharat, Tập đoàn Dầu Ấn Độ và nhà máy lọc dầu Reliance Industries, đã mua khoảng 7 triệu thùng dầu thô Mỹ giao vào tháng 4.

Theo các thương nhân, hầu hết dầu thô Mỹ mua trong tháng này là dầu thô West Texas Middle Midland có chi phí vận chuyển đắt hơn so với các thùng dầu từ Trung Đông. 

"Với những vấn đề phải đối mặt khi nhập khẩu dầu của Nga, không có gì ngạc nhiên khi các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang chuyển sang sử dụng dầu của Mỹ như một giải pháp thay thế thích hợp", ông Dylan Sim, nhà phân tích tại công ty tư vấn công nghiệp FGE, chia sẻ với Bloomberg.

Theo ông Sim, dầu thô của Mỹ chiếm 10% lượng nhập khẩu của Ấn Độ vào năm 2021 nhưng đã giảm xuống mức thấp nhất là 4% trong 2 năm qua khi Nga mở rộng thị phần.

Ấn Độ tích cực mua dầu của Mỹ sau khi quay lưng với Nga - 1

Tàu chở dầu thô ở vịnh Nakhodka, Nga (Ảnh: Reuters).

Các loại dầu thô khác của Nga cũng bị ảnh hưởng bởi việc thực thi lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn. Các tàu chở dầu của Nga đã không hoạt động ngoài khơi bờ biển Ấn Độ trong nhiều tuần nay.

Trong suốt năm 2023, thị phần của Nga trên thị trường Ấn Độ chiếm trung bình 39%. Theo Statista, Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, chiếm hơn 12% sản lượng dầu thô toàn cầu. Ngành năng lượng được coi là huyết mạch quan trọng đối với nền kinh tế Nga.

G7, EU và Australia cũng áp đặt mức giá trần cấm các công ty bảo hiểm tài trợ và vận chuyển dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga có giá trên 60 USD/thùng.

Tháng 10/2022, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày (tương đương 2% nguồn cung toàn cầu) cho đến cuối năm 2023. Nhóm này sau đó đã đồng ý gia hạn hạn chế đến cuối năm 2024, trong nỗ lực cân bằng thị trường. 

Theo Bloomberg, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm