Rau quả Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt ngập chợ, siêu thị

(Dân trí) - Mặc dù có không ít các mặt hàng rau củ như cà chua, bắp cải, khoai tây... có nguồn gốc Trung Quốc nhưng người mua vẫn khó phân biệt, so sánh với các sản phẩm trong nước.

Rau quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt ngập chợ, siêu thị
Rau củ tại các quầy hàng trong chợ hầu hết đều được nhập về từ chợ đầu mối và trong số đó không ít mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc.  

 

Trên thực tế đang tồn tại một nghịch lý ở mặt hàng rau quả, trái cây của Việt Nam là trong khi người nông dân quanh năm lo “được mùa mất giá”, nơm nớp lo hàng tồn vì không có đầu ra và bị thương lái ép giá thì người tiêu dùng lại phải vất vả tìm hàng sạch, hàng chất lượng. Trên thị trường cũng tràn lan các mặt hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.

Len lỏi từ vỉa hè, chợ cho tới siêu thị lớn

Vào mùa này, trên khắp tuyến phố của Hà Nội đều có bày bán nhiều loại hoa quả như mận vàng, đào… mà với quảng cáo của người bán là được lấy về từ Sapa, Lào Cai. Tuy nhiên, trên thực tế, những loại hoa quả này chủ yếu được nhập về từ Trung Quốc bởi hàng của Việt Nam rất ít và hình thức thức không đẹp bằng. 

Trước đó, người tiêu dùng Thủ đô cũng “ngã ngửa” khi phát hiện ra quả thanh mai gây sốt trên thị trường với giá bán cả trăm nghìn/kg lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Không giống như mận, đào, loại quả này thậm chí còn chưa được cấp phép nhập khẩu mà được đưa vào Việt Nam qua đường “xách tay” hoặc do thương nhân nhập lậu.

Không chỉ dừng lại ở các hoa quả, mặt hàng rau củ cũng chịu chung tình cảnh trên. Khảo sát tại các chợ Hà Nội cho thấy, nhiều mặt hàng rau củ quả của Trung Quốc thuộc đủ các chủng loại như táo, cam, quýt, bắp cải, cà chua, súp lơ, cà rốt, khoai tây, hành tây… được bày bán tràn lan. Thậm chí, tại bất kì sạp hàng rau nào cũng có thể tìm thấy các mặt hàng từ Trung Quốc.

Nhiều mặt hàng rau củ quả không rõ nguồn gốc bằng nhiều cách còn được “tuồn” vào bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị với giá cao hơn nhiều lần. Đơn cử nhất là từ đầu năm tới nay, cơ quan quản lý ít nhất đã phát hiện 2 đơn vị khá có tiếng trong việc cung cấp an toàn bán rau không rõ nguồn gốc, rau Trung Quốc cho các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Lệ, một tiểu thương buôn bán tại một chợ trong khu vực Hà Đông (Hà Nội) cho hay, nhiều loại rau củ tại các quầy hàng trong chợ hầu hết đều được nhập về từ chợ đầu mối và trong số đó không ít mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

“Rau củ Trung Quốc thường có giá cả rẻ hơn, hình thức đẹp và đồng đều hơn, bảo quản dễ dàng hơn và cũng ít bị hư hỏng như rau củ của Việt Nam. Như bắp cải, cà chua, cà rốt, gừng tỏi… đa số là của Trung Quốc. Dù có không yên tâm về chất lượng nhưng thú thực người buôn bán như chúng tôi vẫn phải nhập về bán bởi hàng Việt thì ít mà chất lượng vệ sinh cũng chưa chắc đã an toàn hơn với thói quen sản xuất như hiện tại của dân mình”, chị Lệ nói.

Anh Minh, một thương lái tại chợ đầu mối thì cho hay: “Rau củ quả của mình thường theo mùa vụ, chất lượng cũng không đồng đều, giá lúc cao lúc thấp nên cũng khó bán hơn so với hàng Trunq Quốc. Hàng ngày tôi chỉ dám nhập một lượng vừa phải rau củ trong nước để đổ buôn cho những mối quen thân và có nhu cầu thường xuyên”.

Biết trước đã không dùng!

Rau củ Trung Quốc vốn dĩ không được lòng người tiêu dùng Việt bởi nhiều tai tiếng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, dù là hàng có xuất xứ Trung Quốc nhưng điều đáng lưu ý là người bán không dễ gì thừa nhận điều đó với người mua. 

“Làm sao để biết hàng nào là hàng Việt, hàng nào là hàng Trung Quốc. Ra chợ hỏi thì toàn nghe trả lời là chị không bán hàng Trung Quốc với rau nhà trồng. Thực sự mà nói, đại đa số người tiêu dùng Việt không thích ăn thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, họ chỉ mua thực phẩm Trung Quốc khi không biết mà thôi”, chị Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.

Phản ứng trước thông tin nhiều mặt hàng Trung Quốc bày bán tại chợ nhưng bị gắn mác là “hàng Việt”, nhiều người tiêu dùng cũng cho rằng, cần có sự vào cuộc của các hiệp hội, cơ quan ban ngành. Theo đó, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt hàng Trung Quốc, yêu cầu hàng hoá phải có rõ xuất xứ để người mua được biết.

“Dù vậy, cũng không thể chỉ trách tiểu thương mà cần xem lại cách sản xuất và bảo quản sau thu hoạch của nông dân ta. Người nông dân cũng cần sản xuất ra những sản phẩm sạch và an toàn thì mới mong thu hút được người mua. Các nhà khoa học thì cần nghiên cứu, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ để nông sản có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh”,anh Vũ Minh - chủ một cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch tại Hà Nội nói.

Còn theo ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, để phát triển bền vững, Chính phủ cần quan tâm tới nông nghiệp, nông thôn và phải đi từ sản xuất, gieo trồng cho tới khâu lưu thông thì mới mong sản xuất nông sản của Việt Nam cạnh tranh được với hàng của các nước khác. 

“Thị trường nội địa cũng rất quan trọng bởi phải phục vụ cho dân mình trước khi nghĩ tới phục vụ dân khác. Do đó, nông nghiệp nông thôn cần phải được ưu tiên, nông dân được hỗ trợ, người làm phân phối phải được miễn thuế, có biện pháp hỗ trợ giúp giảm chi phí lưu thông”, ông Ánh kiến nghị.

Phương Dung