1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Rau bẩn vào siêu thị: Tin nhau là chính chứ khó kiểm tra!

Theo ông Vũ Vinh Phú -Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, việc rau bẩn đội lốt rau sạch đánh lừa người tiêu dùng như vụ rau 3 chữ gần đây là xuất phát từ kẽ hở trong quản lý. Tuy nhiên trên thực tế, các siêu thị và người trồng rau tin tưởng nhau là chính chứ không thể nào kiểm tra hết được.

Rau bẩn đội lốt rau sạch vào siêu thị

Rau sạch là loại rau được sản xuất theo quy trình kỹ thuật bảo đảm được các tiêu chuẩn như: Hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích... nhằm giảm tối đa lượng độc tố tồn đọng trong rau như nitrat, thuốc trừ sâu, kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh.

Để đạt chứng nhận tiêu chuẩn rau hữu cơ thì đơn vị sản xuất phải được một tổ chức có thẩm quyền quốc tế như: USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), EU, IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ) đánh giá và cấp chứng nhận.

Vì những phức tạp cũng như tốn kém trong việc sản xuất và thẩm định chất lượng rau nên người bán và người sản xuất không phải lúc nào cũng đáp ứng được các quy định này. Thế nhưng, bằng nhiều cách, rau kém chuẩn vẫn xuất hiện ở các siêu thị cũng như các cửa hàng bán rau sạch. Vụ rau 3 chữ gần đây là một ví dụ.


Rau 3 chữ bẩn trà trộn vào siêu thị, hiện đã bị tẩy chay

Rau 3 chữ bẩn trà trộn vào siêu thị, hiện đã bị tẩy chay

Những sản phẩm này được đóng gói và bán với giá ngang với rau đạt chuẩn, đắt gấp nhiều lần rau bình thường. Ở một quốc gia nông nghiệp mà người tiêu dùng phải mua rau sạch với giá rất cao là điều không bình thường.

Vì điều kiện hạn chế trong việc tự sản xuất, nhiều người dân ở các thành phố chọn nguồn cung rau sạch qua các trang bán hàng Online. Điều này càng khó để người tiêu dùng có thể nhận biết được nguồn gốc của sản phẩm.


Vô số các cửa hàng cung cấp rau sạch online với chất lượng cũng ảo

Vô số các cửa hàng cung cấp rau sạch online với chất lượng cũng "ảo"

Chỉ với một cú click chuột là có thể thấy vô vàn quảng cáo về rau sạch, tuy nhiên, mức độ sạch đến đâu thì chỉ người bán hàng mới biết.

Tin nhau là chính chứ không kiểm tra!

Bàn về câu chuyện rau sạch, rau bẩn, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, để vào được siêu thị, rau phải có hợp đồng chặt chẽ theo tiêu chuẩn đề ra. Ngoài hợp đồng phải có hàng mẫu, có giá cả, có chứng nhận về quy trình sản xuất rau sạch được Sở Nông nghiệp công nhận. Tuy nhiên, rau bẩn vẫn bị trà trộn vào siêu thị.

“Siêu thị và người trồng tin tưởng nhau là chính chứ siêu thị không thể nào mà kiểm tra được từng sản phẩm hay quy trình sản xuất rau sạch của nhà sản xuất. Vụ việc rau 3 chữ, rau Vân Nội cho rau bẩn vào siêu thị cũng nảy sinh từ kẽ hở này” – ông Phú cho hay.


Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Theo ông Phú, rau sạch phải sạch từ đất, từ nước tưới trở đi chứ không phải chỉ ở thuốc trừ sâu. Nếu đất không sạch, nước không sạch thì không thể nào có rau an toàn, chưa kể thuốc trừ sâu phun không đúng loại và thu hoạch không đúng quy trình.

Cũng theo ông Phú, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ hàng nghìn tấn rau, lượng rau ở các siêu thị chỉ chiếm một phần khá nhỏ bé. Chí phí dành cho Vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam chỉ bằng 1/36 của Thái Lan chứ đừng nói các nước khác.

Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất rau ở Việt Nam chưa đến nơi đến chốn. Ở các nước, họ kiểm soát đến từng thửa ruộng, biết rõ quy trình gieo trồng, phun thuốc, chăm bón, vận chuyển…Bao bì của rau sạch phải đảm bảo, ở các nước có niêm phong, đục lỗ, đánh số và ghi rõ xuất xứ, địa chỉ… nhưng  ở Việt Nam hiện nay không phải lúc nào cũng đảm bảo được điều này.

Theo ông Phú, kiểm tra phải theo một quy trình khép kín, từ sản xuất đến phân phối. Ví dụ như sản phẩm rau sạch của Vingroup, họ bán rau họ trồng, bán trong siêu thị của họ chứ không bán cho siêu thị nào vị sợ bị trà trộn rau bẩn.

Ông Phú nói thêm, dân nghèo hiện nay phải ăn chất bẩn, chất độc rất nhiều vì họ đang đi vào “ma trận” hàng hóa. Từ quả trứng mớ rau, miếng thịt… cái gì cũng độc, cái gì cũng khiến người tiêu dùng phải sợ.

Cơ quan quản lý phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng

Để tránh tình trạng rau bẩn đội lốt rau sạch đánh lừa người tiêu dùng, ông Phú cho rằng Bộ Nông nghiệp, Sở nông nghiệp phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm từ khâu sản xuất đến bán lẻ. Khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm của Việt Nam hiện nay quá yếu, cách làm ăn của người Việt Nam cũng khá cẩu thả.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, rau trong siêu thị hiện nay chỉ chiếm 5-7% doanh số nên quản lý chính phải ở thị trường tự do. Một ngày Hà Nội tiêu thụ 3.000 tấn, rau của Vingroup chỉ có 30 tấn thì bõ bèn gì. Thế nên lượng rau bẩn cực lớn vẫn đang hằng ngày đầu độc người dân.


Rau muốn sạch phải quản lý từ quá trình sản xuất

Rau muốn sạch phải quản lý từ quá trình sản xuất

“Các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm chủ động bảo vệ người tiêu dùng chứ không thể cứ hô hào người dân làm “người tiêu dùng thông thái” được. Bằng mắt thường làm sao họ có thể phân biệt được đâu là sản phẩm sạch, đâu là bẩn. Cái này phải do các cơ quan chức năng thực hiện một cách có trách nhiệm” – ông Phú nhấn mạnh.

Ông Phú cho rằng cần phải quản lý cả hàng nhập khẩu. Hàng Trung Quốc kém chất lượng ngập tràn ở Việt Nam, đây là trách nhiệm rất lớn của hải quan, biên phòng, quản lý thị trường…

“Nhà nước hiện nay ít quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Đầu tư kém, cán bộ thiếu trách nhiệm và không hiểu những nguyên lý cơ bản về quản lý khoa học và thương mại, thế nên dân nghèo chịu trận là chính, dù sao ở siêu thị rau vẫn đảm bảo hơn phần nào” – ông Phú nhấn mạnh.

Theo Trí Lâm
Một Thế giới

Rau bẩn vào siêu thị: Tin nhau là chính chứ khó kiểm tra! - 5

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm