Ra giá 400 triệu đồng "bịt miệng" ngư dân, tỉnh chỉ đạo công an điều tra

Trước việc nhiều ngư dân có tàu 67 hư hỏng bất ngờ rút đơn khiếu nại, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nghi vấn có chuyện “đi đêm” doanh nghiệp với chủ tàu và khẳng định tỉnh sẽ chỉ đạo công an vào cuộc điều tra, làm rõ vấn đề này.

Tăng tiền, ngã giá như... đi chợ (?)

Theo ngư dân Nguyễn Văn Lý - Chủ tàu vỏ thép BĐ 99004 TS, ngay sau khi tỉnh Bình quyết định thành lập Tổ thẩm định tàu 67 hư hỏng, đại diện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã gặp gỡ ngư dân để tìm hướng giải đền bù chi phí sửa chữa tàu.

“Doanh nghiệp đưa ra mức đền bù lung tung hết, lúc thì 200 triệu tăng lên 400 triệu. Họ đề nghị nếu đồng ý thì lập biên bản hợp đồng cam kết rút không kiện tụng gì nữa nhưng chúng tôi nhất quyết không chịu”- ngư dân Lý cho hay.


Ngư dân Nguyễn Văn Lý bức xúc trước cách khắc phục của doanh nghiệp đóng tàu. Ảnh: D.T

Ngư dân Nguyễn Văn Lý bức xúc trước cách khắc phục của doanh nghiệp đóng tàu. Ảnh: D.T

Tàu ngư dân Lý ra khơi đánh bắt được khoảng 5 chuyến đã bị lỗ hơn nửa tỷ đồng đành phải đưa về nằm bờ. Sự thua lỗ này do tàu gặp sự cố liên tục, lưới cứ thả xuống nước là bị cuốn vào chân vịt, hầm chứa cá không đảm bảo chất lượng… Việc DN tự ý thay vật liệu Hàn Quốc/Nhật Bản bằng thép Trung Quốc, sử dụng sơn không đảm bảo khiến tàu rỉ sét rất nhanh…

“Trong thời điểm này, chúng tôi cần tiền thật nhưng con tàu gần 20 tỷ đồng thì số tiền đó thấm thía gì đâu với những gì chúng tôi đang trải qua. Họ có đưa tiền tỷ, ngư dân chúng tôi cũng không chịu, phải làm cho ra lẽ”- ông Lý nói.


Tàu 67 nằm bờ, ngư dân đứng trước nỗi lo nợ ngân hàng nhiều tỷ đồng. Ảnh: D.T

Tàu 67 nằm bờ, ngư dân đứng trước nỗi lo nợ ngân hàng nhiều tỷ đồng. Ảnh: D.T

Tàu vỏ thép mang số hiệu BĐ 99567 TS chuyên hành nghề lưới vây của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (huyện Phù Mỹ) do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng. Đến tháng 7/2017, con tàu này mới đến thời hạn tái kiểm định nhưng đã xuống cấp trầm trọng.

Ngư dân Mạnh cho biết: “Tàu vẫn nằm bờ chờ sữa chữa, doanh nghiệp họ quá coi thường trước nỗi lo của chúng tôi. Con tàu hư hỏng khắp nơi, không chỉ vỏ tàu mà trang thiết bị cũng được lắp không đúng theo hợp đồng. Vậy mà, họ dám đề xuất chi cho tôi 250 triệu đồng rồi tự tôi lo sửa chữa. Nếu đồng ý với cả đó thì rút đơn khiếu nại doanh nghiệp nhưng tôi không chịu. Bao nhiêu đó nhằm nhò gì, chắc họ đang nghĩ chúng tôi “thèm” tiền”.


Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh: Con tàu hư hỏng khắp nơi mà doanh nghiệp đề xuất chi 250 triệu đồng để gia đình tôi tự sửa chữa, quá coi thường. Ảnh: D.T

Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh: "Con tàu hư hỏng khắp nơi mà doanh nghiệp đề xuất chi 250 triệu đồng để gia đình tôi tự sửa chữa, quá coi thường". Ảnh: D.T

Cần điều tra hành vi lừa đảo!

Ông Hà Ngọc Tân - Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) cho biết: “Việc tàu 67 không đảm bảo chất lượng về thép và máy đang khiến ngư dân khổ sở. Tôi cho đây là hành vi lừa đảo, doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân làm những điều không đúng. Điều này khiến ngư dân thất nghiệp và có cả ý nghĩ phải tự tử vì mỗi tháng họ phải trả nợ vốn vay khoảng 200 triệu đồng cho ngân hàng. Theo đánh giá từ cơ quan chuyên môn, nếu không thay thế sửa chữa thì 1 năm nữa con tàu hư hỏng sẽ thành đống sắt vụn. Vì vậy, cần điều tra để làm sáng tỏ vấn đề”.


Vừa ra khơi nhưng nhiều tàu 67 của ngư dân đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: NVCC

Vừa ra khơi nhưng nhiều tàu 67 của ngư dân đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: NVCC

Ông Trần Văn Phúc- Phó giám đốc Sở NNPTNT Bình Định xác nhận: Có 7 ngư dân, trong đó có 5 ngư dân ở huyện Hoài Nhơn và 2 ngư dân ở huyện Phù Cát đã làm đơn xin rút khiếu nại và đề nghị không thẩm định độc lập tàu của họ.

“Tuy nhiên, ngày 9/6, nhiều ngư dân bất ngờ không rút đơn nữa và để tổ kiểm định kiểm tra hư hỏng của tàu”- ông Phúc cho hay.


Trước việc nhiều ngư dân có tàu 67 hư hỏng bất ngờ rút đơn khiếu nại, ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nghi vấn có chuyện “đi đêm” doanh nghiệp và chủ tàu?. Ảnh: D.T

Trước việc nhiều ngư dân có tàu 67 hư hỏng bất ngờ rút đơn khiếu nại, ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nghi vấn có chuyện “đi đêm” doanh nghiệp và chủ tàu?. Ảnh: D.T

Liên quan đến vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Trách nhiệm lớn nhất và bao trùm trong vụ việc này thuộc về cơ sở đóng tàu, cụ thể là 2 công ty TNHH Đại Nguyên Dương và công ty TNHH MTV Nam Triệu. Một số ngư dân trong 18 tàu đã làm đơn kiến nghị UBND tỉnh kiểm tra, nhưng không biết do tác động thế nào mà họ rút đơn. Vấn đề này, tôi đề nghị UBND tỉnh Bình Định nhất quyết phải thẩm định từng con tàu một và có kết luận chứ không phải vì ngư dân rút đơn mà chúng ta không làm. Tỉnh Bình Định nhanh chóng có báo cáo việc kiểm tra tàu 67 hư hỏng để Bộ NNPTNT có hướng xử lý”.

Dự kiến công bố kết luận vào ngày 25/6

Theo ông Trần Văn Phúc - Phó giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, hiện nay Tổ thẩm định đang hoàn tất việc kiểm tra thực tế tàu 67 hư hỏng. Sau quá trình xem xét, so sánh với tài liệu hợp đồng, dự kiến vào ngày 25.6 Tổ sẽ có kết luận chính thức báo cáo UBND tỉnh Bình Định.

Theo Dũ Tuấn
Dân Việt