Quỹ từ thiện của Bill Gates làm cổ đông, cổ phiếu "vua nước mắm" ra sao?

Mai Chi

(Dân trí) - MCH của Masan Consumer sáng nay tăng giá giữa lúc phần lớn cổ phiếu điều chỉnh. Mã này đã tăng 144% so với đầu năm và có thị giá đứng top đầu thị trường.

Phần lớn cổ phiếu vẫn ở trạng thái điều chỉnh trong phiên giao dịch sáng nay (17/9). VN-Index mặc dù tăng 1,08 điểm tương ứng 0,09% lên 1.240,34 điểm nhưng HoSE vẫn có 197 mã giảm so với 146 mã tăng.

HNX-Index giảm 0,74 điểm tương ứng 0,32% với 71 mã giảm, 54 mã tăng trên HNX. UPCoM-Index điều chỉnh nhẹ 0,01 điểm tương ứng 0,02% với 98 mã giảm, 94 mã tăng.

Sáng nay, cổ phiếu MCH của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) tăng 3.500 đồng tương ứng 1,7% lên 207.500 đồng, ghi nhận phiên tăng giá thứ 3 liên tục. Mã này vẫn đang nằm trong top những cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường.

Quỹ từ thiện của Bill Gates làm cổ đông, cổ phiếu vua nước mắm ra sao? - 1

Quỹ Bill & Melinda Gates xuất hiện trong danh sách cổ đông tham gia biểu quyết của Masan Consumer (Ảnh chụp màn hình Nghị quyết ĐHĐCĐ của MCH).

Mới đây, Masan Consumer công bố biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến về việc chia cổ tức bổ sung năm 2023 với tỷ lệ đồng ý đạt 97,3%, theo đó "vua nước mắm" sẽ chia bổ sung bằng tiền với tỷ lệ 168% (1 cổ phiếu được nhận 16.800 đồng).

Việc chi trả khoản cổ tức năm 2023 bổ sung này có thể được thực hiện thành một hoặc nhiều đợt, trong vòng 6 tháng kể từ ngày thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ (13/9).

Trong danh sách các cổ đông tham gia biểu quyết có sự xuất hiện của Bill & Melinda Gates Foundation Trust. Tổ chức này đang nắm hơn 1 triệu cổ phiếu MCH (giá thị trường khoảng 216 tỷ đồng).

Trước đó, Masan Consumer đã chi trả cổ tức cho năm 2023 với tỷ lệ 100% bằng tiền mặt. Nhìn chung, với tỷ lệ chia cổ tức ở mức cao bằng tiền, cổ đông công ty được hưởng lợi kép do ngoài "tiền tươi thóc thật", giá trị tài khoản cũng tăng hơn gấp đôi so với đầu năm do giá cổ phiếu tăng mạnh.

So với đầu năm, cổ phiếu MCH đã tăng 122.490 đồng/đơn vị tương ứng tăng 144%. Giá trị vốn hóa đạt 150.362,3 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, VNZ vẫn là mã có thị giá cao nhất. Sau phiên giảm sàn hôm qua, sáng nay, VNZ mất 1,7% còn 370.300 đồng.

Có 3 cổ phiếu tăng trần trên HoSE sáng nay là IMP, GTA và AGM. Cổ phiếu AGM đang có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp bất chấp việc bị cắt margin. HoSE đã yêu cầu công ty phải giải trình về nguyên nhân khiến giá cổ phiếu tăng 5 phiên liên tục (tính đến hết phiên 16/9).

VN-Index được hỗ trợ chủ yếu bởi các mã lớn. Theo đó, sáng nay, rổ VN30 có 13 mã tăng so với 8 mã giảm, chỉ số VN30-Index tăng 2,99 điểm tương ứng 0,23%. Trong số này, "họ" Vingroup diễn biến tích cực: VHM tăng 2,2%; VRE tăng 1,1% và VIC tăng 0,6%.

Bên cạnh đó, các mã khác như SSB, MSN, SAB, VPB, HPG, MBB, SSI, STB và VNM cũng tăng giá. Những mã giảm giá như BID, GAS, GVR, BVH, MWG… có mức điều chỉnh không đáng kể. PLX giảm mạnh nhất VN30 có biên độ điều chỉnh là 1,2%.

Thanh khoản toàn thị trường vẫn duy trì mức thấp. Nhà đầu tư giao dịch thận trọng. Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 221,66 triệu đơn vị tương ứng 4.784,03 tỷ đồng; trên HNX là 19,08 triệu cổ phiếu tương ứng 408,41 tỷ đồng và trên UPCoM là 7,7 triệu cổ phiếu tương ứng 125,72 tỷ đồng.

Theo quan sát của giới phân tích, thị trường đã lần lượt đánh mất vùng 1.250 điểm và vùng 1.245 điểm, tín hiệu này đang gây áp lực cho thị trường. Đồng thời, quán tính giảm điểm hiện tại có thể tạo rủi ro giảm điểm cho thị trường trong phiên giao dịch tiếp theo. Vùng hỗ trợ quan trọng tiếp theo là vùng MA(200), vùng 1.225 điểm và thị trường sẽ được hỗ trợ khi lùi về gần vùng này và hồi phục trở lại.

Các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư cần thận trọng và quan sát diễn biến cung cầu tại vùng hỗ trợ, đồng thời nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý và tránh trạng thái quá mua. Ngoài ra, vẫn cần cân nhắc những nhịp hồi phục để cơ cấu danh mục theo hướng giảm rủi ro.