Quy hoạch đô thị Hà Nội: "Cứ cái gì ra tiền thì họ làm..."

(Dân trí) - "Cứ cái gì ra tiền thì họ làm, chung cư bán được làm chung cư, bệnh viện ra tiền thì làm bệnh viện… Thế thì quy hoạch để làm gì? Vậy là mọi toan tính về quy hoạch đều vô nghĩa", một chuyên gia chia sẻ.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng, quy hoạch hiện nay không còn quá nhiều vai trò bởi có thể sửa bất cứ lúc nào.
KTS Trần Huy Ánh cho rằng, quy hoạch hiện nay không còn quá nhiều vai trò bởi có thể sửa bất cứ lúc nào.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra trong 2 ngày 28-29/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá, hàng loạt những khu đô thị với các chung cư cao hàng chục tầng đã mọc lên giữa nội đô khiến giao thông Thủ đô lâm vào cảnh quá tải trầm trọng.

Từ thực tế này, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM nghiêm túc rà soát, chấn chỉnh công tác quy hoạch đô thị. Bởi nếu không sớm khắc phục tình trạng này, trong tương lai ngân sách nhà nước đổ vào không thể đủ để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng để chống ùn tắc giao thông.

Chỉ lo xây nhà mà giao thông vẫn giữ nguyên

Trao đổi về vấn đề này, tại buổi giao lưu trực tuyến do báo điện tử Dân Việt vừa tổ chức, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: "Ùn tắc giao thông đô thị có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân thành phố đang cho phép xây thêm quá nhiều cao ốc trong khu vực nội đô, nghĩa là tăng mật độ dân số lên nhưng lại không nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông một cách đồng bộ".

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, ùn tắc giao thông đô thị tại Hà Nội có nhiều nguyên nhân mà trước hết là nguyên nhân về quy hoạch và tiếp theo là nguyên nhân về tổ chức thực hiện quy hoạch.

"Về quy hoạch mà nói thì chúng ta đã xây dựng nhiều khu đô thị mới nhưng thực chất vẫn chỉ là khu nhà ở trong khi thế giới thì người ta quan niệm khu đô thị mới phải nhiều chức năng chứ không chỉ chức năng để ở. Tại đó có cả việc làm và các dịch vụ đi kèm. Người dân có thể chỉ ở, làm việc và mua sắm... tại chỗ không phải đi xa. Do đó không hề làm căng thẳng giao thông đô thị và không làm tăng mật độ giao thông trên các đường phố nhất là các tuyến chính", ông nói.

Ông Phạm Sỹ Liêm cho biết, hiện đô thị trên thế giới cũng có cao ốc rất nhiều ở trong nội đô, điển hình là HongKong, Singapore, Thượng Hải (Trung Quốc) nhưng không làm tắc nghẽn giao thông vì hạ tầng kỹ thuật giao thông và quy hoạch rất tốt. Ví dụ như Hong Kong là 50% người dân đi làm bằng phương tiện công cộng, 45% đi bộ đi làm, chỉ có 5% đi làm bằng phương tiện cá nhân.

"Cho nên chúng ta nhìn trên ảnh có thể nói họ tầng tầng lớp lớp không có dư một mét vuông nào, lên cả trên núi cao nhưng không có tắc nghẽn là vì tổ chức giao thông của họ tốt. Còn ta thì chỉ lo xây nhà mà giao thông vẫn như cũ. Xây nhà cao ốc tại các khu đất vàng là mục tiêu của các nhà kinh doanh bất động sản nhằm đạt lợi nhuận tối đa. Điều đó không có gì đáng trách với họ vì mục đích của họ là đạt lợi nhuận tối đa trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Cái đáng trách là người thực hiện quản lý quy hoạch, vì sao lại cho phép họ làm điều đó”, ông nói.

Còn theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội, với những khu đô thị hay siêu đô thị trong nội đô, ngay sau khi ra đời có thể thấy ngay tác động lớn nhất là những tuyến đường xung quanh khu vực đó trở nên quá tải, ùn tắc giao thông hàng ngày.

"Cảnh hàng đoàn xe ô tô nối nhau chậm chạp bò trên đường là cảnh chúng ta nhìn thấy vào mỗi cuối tuần, hoặc giờ cao điểm hàng ngày… Đó là hậu quả có thể nhìn thấy ngay bằng mắt thường. Hoặc ngay như con đường Hà Đông – Cát Linh, trước đây chỉ có chức năng là cầu nối Hà Nội với Hà Đông, nhưng nay nó làm nhiệm vụ nối Hà Nội với 20 – 30 cái Hà Đông thì sự tắc nghẽn là điều tất yếu. Qua đó có thể thấy Hà Nội đang là một thành phố phát triển tùy tiện, tự phát. Quy hoạch vẽ một đằng, làm một nẻo", ông Ánh đánh giá.

Quy hoạch đô thị 20 năm nay rất kém

Theo KTS Trần Huy Ánh, mỗi khi đi lại trong thành phố sẽ cảm nhận rõ sự khác biệt. Cụ thể, nếu trong khu nội đô, đặc biệt là phố cổ, dù có ách tắc giao thông cỡ nào thì cũng sẽ được giải tỏa chỉ từ 15 – 30 phút. Còn nếu ở những đô thị phía ngoài, chủ yếu là những khu phát triển sau năm 1954, như những khu từ Cầu Giấy ra Hà Đông, Sơn Tây, hoặc ngoại biên cầu Chương Dương, Long Biên, các khu đô thị do KTS Việt Nam quy hoạch, thì với việc phát triển quy hoạch mạnh mẽ 20 năm trở lại đây, có thể nhận thấy tình hình giao thông rất rắc rối, ùn tắc ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân Thủ đô.

"Việc quy hoạch phát triển đô thị trong 20 năm trở lại đây chất lượng có thể khẳng định là rất kém", ông bình luận.

Nói về hậu quả từ việc những khu chung cư, đô thị mới đang mọc lên ngày càng nhiều giữa nội đô Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh cho rằng: "Có thể thấy rõ nhất là mỗi khi có khu đô thị mới ra đời, hoặc thậm chí là những siêu đô thị trong nội đô với mật độ nhà cao tầng dày đặc là sau khi hoàn thành xong đều được lấp đầy ngay. Tuy nhiên trong khi đó, phía Tây Hà Nội có những khu đô thị 10 – 15 năm nay biến thành khu "đô thị ma" - không có người ở".

Vị KTS cũng cho rằng, quy hoạch hiện nay không còn quá nhiều vai trò bởi có thể sửa bất cứ lúc nào.

"Cứ cái gì ra tiền thì họ làm, chung cư bán được làm chung cư, bệnh viện ra tiền thì làm bệnh viện… Thế thì quy hoạch để làm gì? Vậy là mọi toan tính về quy hoạch đều vô nghĩa. Hoặc với quy hoạch khu phố cổ chẳng hạn. Muốn xây mấy tầng lên để có lợi là xây. Thậm chí nếu cần xây luôn cái khách sạn 8, 9 tầng ngay cạnh Hồ Gươm", ông nhấn mạnh.

Vị KTS cũng chia sẻ thêm: “Có một giáo sư của ĐH Hawaii đã đến và nói rất chân tình rằng muốn nhìn thấy Hà Nội thế nào trong tương lai, hãy sang Manila, Philippines. Tôi đã đến Manila 16 lần và quả thật tôi đã nhìn thấy tương lai Hà Nội qua hình ảnh Manila. Họ làm mấy thành phố vệ tinh cách thủ đô 10km, nhưng chỉ trong 10 – 20 năm phát triển bừa bãi, bị dính liền với nhau thành một thành phố không có giới hạn. Giữa những sự lôm nhôm như thế thì họ phải chịu hệ lụy là tắc đường, ngập lụt, những khu ổ chuột…"

Theo ông, nếu Hà Nội "không cẩn thận", một ngày đẹp trời nào đó, những khu đô thị ma ở phía Tây dính lại với nhau thì cũng lâm vào cảnh y như Manila thôi. Điều đó cũng cho thấy rằng vai trò của quy hoạch và quản lý đô thị là cực kỳ quan trọng. Đó là bài toán cần phải được giải cho nhiều thập kỷ, nhiều thế hệ chứ không phải bài toán giải với tư duy nhiệm kỳ 5 – 10 năm như hiện nay.

Về giải pháp, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, để giảm áp lực giao thông nên nghiên cứu chuyển đổi các khu đô thị hiện có thành khu đô thị đa chức năng, ví dụ, tăng thêm việc làm ở quận Hà Đông chứ hiện nay hằng ngày người dân tại các quận Hà Đông vào trung tâm làm việc rất nhiều gọi là Giao thông con lắc - sáng đi chiều về. Buổi chiều chiều ra rất đông. Buổi sáng chiều vào cực lớn.

"Về vấn đề xây dựng chung cư cao tầng tại các khu đô thị hiện có thì phải được thực hiện thông qua quy hoạch cải tạo đô thị, khác với quy hoạch khu đô thị mới. Quy hoạch cải tạo đô thị thường được thực hiện với ô phố được giới hạn bằng 4 đường phố xung quanh chứ không phải bằng cách xây chen vào những miếng đất nào dễ thấy giải phóng được”, ông Liêm nói.

Phương Dung