Quán ăn ở TPHCM "hốt bạc" trong ngày đầu tiên bán tại chỗ
(Dân trí) - Ngày đầu tiên TPHCM cho phép cơ sở kinh doanh ăn uống mở bán tại chỗ, nhiều quán ăn nhỏ đã đạt doanh thu từ 2,5 - 3 triệu đồng trong buổi sáng.
Chị Đặng Thị Thu - chủ một quán bún bò trên đường Nguyễn Thị Nhỏ (quận 11) - cho biết thành phố cho phép bán tại chỗ nên chị rất mừng. Bình thường, chị để khoảng 10 bộ bàn ghế cho khách ngồi thì nay chỉ để 6 để giữa khoảng cách an toàn.
Trong ngày đầu mở bán tại chỗ, khách ra vào liên tục, doanh thu của quán đã đạt khoảng 80% so với bình thường.
"Từ sáng đến trưa, tôi bán khoảng hơn 2,5 triệu đồng tiền bún, dù chưa đạt doanh thu mong muốn nhưng như vậy là tốt rồi" - chị Thu nói.
Theo chị Thu, quán có thể chỉ đông khách trong vài ngày đầu, những ngày sau sẽ vắng do người dân đang có tâm lý "ăn ở nhà cho an toàn" và hạn chế chi tiêu hơn.
Cách quán chị Thu không xa là quán phở của gia đình anh Nguyễn Trọng Đạt, các bàn ăn được bố trí cách nhau 2 m, khách ngồi tuân thủ khoảng cách.
Anh Đạt chia sẻ, trong sáng nay, gia đình bán khoảng 80 tô phở với doanh thu khoảng 3 triệu đồng. Một số vị khách vẫn ưu tiên cho việc mua mang về để đảm bảo an toàn nhưng nhiều người lại thích ăn tại chỗ cho nóng.
"Gặp lại khách chúng tôi vui lắm, buôn bán hứng khởi hơn, tất nhiên là ai cũng phải tuân thủ 5K" - anh Đạt cho hay.
Quán cơm tấm của bà Trần Thị Liên (đường Lý Thường Kiệt, quận 10) cũng có lượng khách ra vào đều đặn. Sáng nay, 4 người phục vụ trong quán đã làm việc luôn tay, gần 100 phần cơm đã được bán hết, doanh thu đạt hơn 3 triệu đồng.
Chủ quán cho biết, mọi người chuẩn bị từ lúc 5h30 sáng để cho ngày đầu tiên bán tại chỗ. Cả nhà mong mỏi cuộc sống trở lại bình thường từ nhiều tháng nay.
Chị Hiền, một thực khách nói, sau 5 tháng chị mới được ngồi ở quán cơm tấm ăn miếng sườn nóng hổi. Những điều tưởng chừng như rất bình thường tại TPHCM thì đến nay mới được quay trở lại. Dịch bệnh khiến chị càng trân quý hơn những điều bình dị.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, hầu hết các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống trên đường Lữ Gia (quận 11), Tô Hiến Thành (quận 10), Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) đều đã mở cửa đón khách. Các quán đều chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch như bàn ghế được đặt cách xa nhau và đón lượng khách vừa phải.
Một số nhà hàng, quán nhậu tại quận 10, quận 11 vẫn chưa mở cửa do quy định không bán đồ uống có cồn. Tuy nhiên, theo ông Lý Nhất Hiếu - chủ nhà hàng trên đường Ngô Đức Kế (quận 1), người dân có thể dùng đồ uống không cồn như nước ngọt, bia 0 độ, nước suối… để chấp hành quy định của thành phố. Việc tiêu thụ sản phẩm của người dân lúc này là rất quan trọng đối với các nhà hàng, quán ăn.
Như Dân trí đã thông tin, UBND TPHCM đã cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống (cơ sở) được phục vụ tại chỗ từ ngày 28/10.
Theo đó, các hàng, quán được mở bán tại chỗ nếu đáp ứng được các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19.
UBND TPHCM cũng yêu cầu, các hàng, quán phải đóng cửa trước 21h hàng ngày, công suất tối đa được duy trì từ 50% trở xuống. Ngoài ra, các nhà hàng, quán ăn tại chỗ không được kinh doanh đồ uống có cồn.
Các quy định trên sẽ không áp dụng đối với hệ thống các nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nhà hàng tại các cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch.
Đối với việc kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn, các cơ sở tại quận 7 và thành phố Thủ Đức được thí điểm thực hiện căn cứ trên mức độ kiểm soát dịch Covid-19. Việc thí điểm do Chủ tịch UBND quận 7 và thành phố Thủ Đức quyết định.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhà hàng, quán ăn tại TPHCM đã phải tạm dừng phục vụ tại chỗ từ ngày 28/5, trước thời điểm áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Sau đúng 5 tháng, người dân thành phố mới được trở lại cuộc sống bình thường mới.