1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

TPHCM nới lỏng giãn cách, các nhà hàng lớn "mừng ít, lo nhiều"

Đại Việt

(Dân trí) - TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội để hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân trở nên thuận lợi hơn. Tuy nhiên trong giai đoạn mới, các nhà hàng lớn vẫn còn nhiều nỗi lo.

Mở cửa nhưng còn nhiều cái khó

Ông Lý Nhất Hiếu - đại diện một nhà hàng cao cấp trên đường Ngô Đức Kế (quận 1) - cho biết việc thành phố cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại là tin vui đối với người kinh doanh. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

TPHCM nới lỏng giãn cách, các nhà hàng lớn mừng ít, lo nhiều - 1

Nhà hàng cao cấp tại TPHCM đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Đ.V).

Theo ông Hiếu, tính từ đầu năm, nhà hàng của ông đã phải đóng cửa một thời gian vào khoảng 5 tháng. Doanh thu không có nhưng chi phí mặt bằng, nhân viên, vận hành vẫn phải trả là 2 tỷ đồng khiến công ty như đứng bên bờ vực.

Khi TPHCM cho phép mở cửa lại, quy định bán mang về lại không hề phù hợp với nhà hàng cao cấp có 11 tầng mà ông đang sở hữu. Doanh thu từ việc bán mang về vô cùng thấp, trong khi chi phí mặt bằng, nhân viên, quảng cáo... là rất lớn. "Việc bán mang về chỉ phù hợp với những quán ăn nhỏ như cơm tấm, hủ tiếu và không hề phù hợp với chúng tôi" - ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, trước đó, TPHCM quy định nhà hàng chỉ phục vụ tại chỗ tối đa cho 20 người và mỗi người phải cách nhau 2 m cũng khiến doanh nghiệp "chật vật". Nhà hàng rất khó thực hiện những chính sách do thành phố đưa ra.

Ông Hiếu lấy ví dụ, hai vợ chồng đi ăn thì nhà hàng khó có thể yêu cầu họ ngồi cách nhau 2 m. Một nhóm bạn 20 người ngồi liên hoan, nếu nhóm người này rủ thêm 3 người nữa tới dự thì nhà hàng cũng không thể từ chối khách.

Ngoài việc các quy định còn bất cập thì doanh nghiệp tiếp tục "toát mồ hôi" với bài toán thiếu hụt lao động.

Ông Hiếu cho hay: Hiện nay, nhân viên phục vụ, lễ tân khá dễ tuyển dụng nhưng đầu bếp, phụ bếp có tay nghề thì rất khó kiếm, bởi nhiều đầu bếp đã về quê tránh dịch. Trong khi đó, việc trở lại thành phố lúc này của người lao động lại vô cùng gian nan.

Ông Hiếu kiến nghị, Nhà nước nên tạo điều kiện cho người lao động đi lại liên tỉnh được thuận lợi và triển khai tiêm vắc xin thật nhanh để mở cửa nền kinh tế. Nhà nước cũng cần ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho các chủ mặt bằng để những người này hỗ trợ lại cho doanh nghiệp đi thuê, đây là khoản chi phí rất lớn đối với doanh nghiệp.

Riêng với ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống, Nhà nước cần ban hành những quy định phù hợp với từng đối tượng. Các chính sách dành cho cơ sở kinh doanh quy mô lớn cần có sự khác biệt với hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Nhà hàng rộng 500 m2 chỉ được bán mang về có phù hợp?

Ông Nguyễn Văn Hòa - chủ một hệ thống nhà hàng lớn tại quận 3 - cho hay ông cũng rất vui mừng khi thành phố nới lỏng giãn cách và cho phép dịch vụ kinh doanh ăn uống mang về.

Thế nhưng, mặt bằng rộng 500 - 700 m2 ở trung tâm thành phố với đội ngũ đầu bếp hàng chục người không thể chỉ phục vụ bán mang về. Doanh thu từ việc bán mang về đang rất thấp, chỉ bằng 15 - 20% so với bình thường.

Trong khi đó, tiền mặt bằng và chi phí cho đầu bếp, nhân viên lên tới 500 - 600 triệu đồng/tháng, còn nếu trả mặt bằng thì người lao động không có việc làm, công ty cũng mất số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng vào mỗi điểm kinh doanh.

"Chính quyền cho nhà hàng tiệc cưới phục vụ tối đa 50 người nhưng lại hạn chế nhà hàng cao cấp có diện tích lớn như chúng tôi phục vụ tại chỗ" - ông Hòa nói.

TPHCM nới lỏng giãn cách, các nhà hàng lớn mừng ít, lo nhiều - 2

Nhiều điểm kinh doanh ăn uống tại TPHCM rơi vào thế khó của các quy định (Ảnh: Đại Việt).

Theo ông Hòa, dù TPHCM mở cửa nhưng các tỉnh, thành khác đóng cửa thì giới kinh doanh nhà hàng tiếp tục gặp trở ngại, bởi nhiều nguyên liệu chế biến món ăn không thể về thành phố. Hiện nay, các loại nguyên liệu như bông điên điển, đọt năng, bắp chuối hột… từ các tỉnh miền Tây đều gặp khó trong việc lưu thông.

Cũng theo ông Hòa, quy định chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc bùng phát dịch cũng khiến các nhà hàng lo lắng, bởi nhân viên nhà hàng không thể kiểm chứng được các loại giấy tờ mà khách xuất trình. Nếu khách đưa giấy chứng nhận tiêm vắc xin "dỏm" thì nhà hàng cũng không thể nhận biết.

Ông Hòa chia sẻ, ông đang rao bán ngôi nhà của gia đình mình để cầm cự cho việc kinh doanh. Nếu các quy định không có sự thay đổi phù hợp trong thời gian tới thì doanh nghiệp sẽ phải tạm ngừng hoạt động.

Theo ghi nhận của Dân trí, nhiều chủ nhà hàng tại quận 1, quận 3, quận 10, quận 11 đều mong đợi những chính sách mới cụ thể và thông thoáng hơn. Mỗi doanh nghiệp đều có hàng trăm lao động "trên vai" nên gánh nặng, áp lực là vô cùng lớn.

Trước đó, Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và đề xuất nhiều giải pháp.

Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn việc lưu thông hàng hóa được thuận lợi hơn, đặc biệt là tại các tỉnh thành phía Nam. Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tạo điều kiện cho người lao động trở lại thành phố làm việc. Người dân tiêm ít nhất một mũi vắc xin được sử dụng dịch vụ ăn uống và phải quét mã vạch xác nhận tình trạng sức khỏe trước khi vào bên trong.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm