Chủ nhà hàng ở TPHCM kêu trời với đề xuất không mở máy lạnh, bán rượu bia

Đại Việt

(Dân trí) - Đại diện hệ thống nhà hàng tại TPHCM cho rằng, nếu không được mở máy lạnh, không được bán rượu bia, các cơ sở kinh doanh có thể tiếp tục phải đóng cửa vì không có khách.

Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM vừa trình UBND thành phố dự thảo 6 tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Dự thảo có tiêu chí không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín, không bán rượu bia.

Ông Lý Minh Trung - chủ một nhà hàng tại quận 1 - cho biết, với đề xuất không được mở máy lạnh, không bán bia rượu, coi như các nhà hàng, quán ăn bị "trói tay".

Quán hàng của ông Trung lâu nay được chia thành hàng chục phòng nhỏ, đều phải sử dụng máy lạnh. Nếu máy lạnh không được mở, khách sẽ rất nóng, không gian ngột ngạt.

"Đề xuất không mở máy lạnh để phòng chống dịch vậy tại sao ngày trước cơ quan chức năng lại đóng cửa chợ truyền thống, yêu cầu người dân vào siêu thị máy lạnh để mua sắm. Những quy định còn chưa phù hợp, nên sớm thay đổi" - ông Trung nêu quan điểm.

Chủ nhà hàng ở TPHCM kêu trời với đề xuất không mở máy lạnh, bán rượu bia - 1

Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã trình dự thảo không cho điểm kinh doanh ăn uống bán bia rượu, không mở máy lạnh (Ảnh: Đại Việt).

Chủ nhà hàng ở quận 1 cho rằng, quán của ông là nơi mọi người tiếp khách, tiệc tùng, nếu không cho bán bia rượu sẽ không ai đến đây ăn uống. Doanh thu nhà hàng cũng giảm mạnh nếu bia, rượu không được bán. Ông Trung nói sẽ tiếp tục đóng cửa nhà hàng nếu quy định này được áp dụng.

Còn theo ông Vũ Lâm Chí Đức - đại diện một doanh nghiệp chuyên đầu tư cho ngành dịch vụ ăn uống, bày tỏ, ông không tán thành quy định trên. Theo ông Đức, người dân uống một lon nước ngọt hay lon bia không khác gì nhau xét ở khía cạnh phòng chống dịch.

Để phòng chống dịch, quan trọng nhất là ý thức tuân thủ 5K, giữ khoảng cách an toàn với những người xung quanh. Việc không cho bán bia rượu sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà hàng lớn và cả những quán nhậu bình dân trên địa bàn thành phố - ông Đức nói.

Vị này nhận định, nhiều nhà hàng, quán ăn sẽ tiếp tục đóng cửa nếu việc mở ra không khả thi và sinh kế của hàng triệu người tiếp tục bị ảnh hưởng. Không chỉ người lao động làm việc tại các nhà hàng, quán ăn gặp khó khăn mà giới kinh doanh thịt, cá, hải sản, rau củ cũng "chật vật" theo những điểm kinh doanh này.

Chủ nhà hàng ở TPHCM kêu trời với đề xuất không mở máy lạnh, bán rượu bia - 2

Chủ các nhà hàng "kêu trời" vì các quy định mới đang được đề xuất (Ảnh: Đại Việt).

Ông Lê Hoài Nam - đại diện một hệ thống nhà hàng lớn tại TPHCM - chia sẻ, dự thảo quy định không cho mở máy lạnh sẽ làm khó khách hàng, bản thân doanh nghiệp sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí nếu mở cửa trở lại.

Về phía khách hàng, họ sẽ phải ăn uống trong không gian nóng bức, gây ức chế. Doanh nghiệp thì cần đầu tư thêm quạt mát, quạt thổi.

"Nhiều nhà hàng trong trung tâm thương mại phải sử dụng hệ thống hút khói, khử mùi nên bắt buộc máy lạnh phải hoạt động" - ông Nam cho hay.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM - cho biết, các tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mới chỉ là đề xuất của Ban. Đơn vị này vẫn phải chờ UBND thành phố ký ban hành.

"Các tiêu chí, quy định có thể sẽ thay đổi tùy theo tình hình, cấp độ của dịch bệnh" - bà Lan nói.

Bà Lan cũng cho rằng, bia rượu sẽ khiến người dân giao tiếp nhiều hơn, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao hơn nên quy định không bán mặt hàng này là phù hợp với tình hình thực tế.

Dự thảo 6 tiêu chí để cơ sở kinh doanh ăn uống tại TPHCM được hoạt động:

Tiêu chí đầu tiên, các cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có mã QR đã đăng ký tại Cổng thông tin An toàn Covid-19 TPHCM.

Tiêu chí thứ 2, cơ sở cần đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm đúng theo quy định. Trong đó, hàng quán cần tuân thủ các quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu, chứng từ liên quan...

Tiêu chí thứ 3, các cửa hàng cần có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế, bố trí khu vực giao - nhận hàng. Tại mỗi nhà hàng, nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, phương tiện làm khô tay, khăn lau tay cần được trang bị.

Tiêu chí thứ 4, người lao động, người đến cơ sở (người giao nhận, khách hàng, người liên hệ...) phải tuân thủ 5K, thực hiện quét mã QR theo hướng dẫn ngành y tế.

Tiêu chí thứ 5 là tùy vào cấp độ dịch, cơ sở kinh doanh hạn chế số người bán, mua thực phẩm cùng lúc.

Tiêu chí thứ 6, các cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín, không bán rượu bia. Khách ăn, uống tại chỗ phải đảm bảo các quy định phòng, chống Covid-19.