Kiên Giang:
Phú Quốc chỉ cho phép tồn tại nước mắm sản xuất theo cách truyền thống
(Dân trí) - Qua sự cố thông tin không đúng về nước mắm chứa arsen vừa qua, lãnh đạo huyện Phú Quốc cho biết sẽ rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn. Nếu cơ sở nào có cách sản xuất nước mắm đi ngược với truyền thống sẽ bị đóng cửa.
Ngày 2/11, tại huyện đảo Phú Quốc, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống gắn với bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi cá cơm” với sự tham dự các các cơ sở, hội nước mắm của các tỉnh, thành trong cả nước.
Tại đây, các nhà khoa học cũng như cơ sở sản xuất nước mắm trong cả nước đều khẳng định rằng, nước mắm truyền thống là sản phẩm được tạo ra từ cá và muối chứ không có bất cứ loại hóa chất nào kèm theo.
Theo số liệu từ Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối thuộc Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có hơn 2.900 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống với sản lượng bình quân 215 triệu lít/năm. Những cơ sở chế biến có quy mô lớn được tập trung ở khu vực Tây Nam Bộ và chiếm hơn 39% tổng sản lượng của cả nước. Tuy nhiên, chỉ có một số cơ sở chế biến truyền thống lớn nhìn chung là ổn định trong khi các cơ sở nhỏ có xu hướng thu hẹp dần quy mô do nguồn nguyên liệu đầu vào đang gặp rất nhiều khó khăn.
Những khó khăn của ngành này đang gặp phải là sản phẩm nước mắm chủ yếu tiêu thụ trong nước với khoảng 96%. Một số doanh nghiệp lớn có điều kiện sản xuất tốt, đáp ứng nhu cầu về an toàn thực phẩm có thể xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản…với sản lượng khá khiêm tốn. Trong khi đó đa phần các cơ sở chế biến nước mắm tại địa phương là doanh nghiệp cỡ nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế. Việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, công tác tiếp thị bán hàng còn hạn chế… Mập mờ giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.
Một vấn đề đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm là nguồn nguyên liệu vùng cho sản xuất nước mắm truyền thống đang suy giảm đáng kể.
Cũng tại hội nghị này, nhiều đại biểu cho rằng, công tác truyền thông còn hạn chế nên đến nay người tiêu dùng bị lẫn lộn giữa sản phẩm truyền thống với sản phẩm nước chấm công nghiệp hay pha chế khác. Nhiều đại biểu đặt vấn đề cần có tiêu chí rõ ràng để xác định đâu là cơ sở sản xuất nước mắm, đâu là chế biến nước mắm. Bởi lẽ, không thể có chuyện 1 doanh nghiệp chuyên chế biến nước mắm tại TP.HCM nhưng không có nhà thùng như ở Phú Quốc hay Phan Thiết mà lại ghi bảng hiệu là cơ sở sản xuất được.
Bà Hồ Thị Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết: nước mắm truyền thống tại Phú Quốc chỉ có cá cơm than và muối. (khách đến nhận cá cơm mà các thuyền vừa đánh bắt từ biển về)
Bà Hồ Thị Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết: Ngay từ khi bà mới bắt tay vào làm nước mắm là đã được bạn bè người nước ngoài dặn dò nên cố gắng giữ cho loại nước mắm truyền thống này của Phú Quốc vì nó còn được xem như thương hiệu của quốc gia. Cho nên, trong suốt hàng chục năm qua, gia đình bà luôn tuân thủ theo quy trình sản xuất truyền thống là chỉ có cá cơm than (loại giàu đạm nhất so với các loại cá cơm khác) cộng với muối rồi ủ chượp trong thời gian dài.
Ông Đinh Khoa Toàn - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, sắp tới đây, các ngành chức năng sẽ cho rà soát lại toàn bộ các cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn. Qua đó, nếu phát hiện cơ sở hay doanh nghiệp nào không thực hiện đúng theo quy trình sản xuất nước mắm truyền thống (có sử dụng hóa chất) thì kiên quyết cho đóng cửa. Vì theo ông Toàn, nước mắm Phú Quốc không chỉ là sản phẩm phục vụ du lịch hay xuất khẩu mà nó còn là hồn cốt của ông cha để lại trong suốt hàng trăm năm qua. Nhờ vậy mà mỗi năm Phú Quốc xuất đi tiêu thụ khắp nơi với hơn 30 triệu lít nước mắm, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Nguyễn Hành