Bình Định:

"Thủ phủ" nước mắm truyền thống Tam Quan sau “bão asen”

(Dân trí) - Sau khi được “giải oan” chứa thạch tín, người làm nghề nước mắm truyền thống ở huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đã bớt lo âu, thấp thỏm. Thế nhưng, hoạt động sản xuất vẫn cầm chừng, nhiều chủ cơ sở vẫn ấm ức trong bụng.

Làng nghề chao đảo vì “bão asen”

Huyện Hoài Nhơn được xem là “thủ phủ” nghề làm nước mắm truyền thống ở Bình Định, toàn huyện có trên dưới 50 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống lớn nhỏ, tập trung nhiều nhất là ở các xã ven biển.

Riêng Chi hội sản xuất nước mắm truyền thống Tam Quan có 10 hội viên tham gia. Đây là những cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống có đăng ký thương hiệu ở xã Hoài Hương, Hoài Thanh, Tam Quan Bắc. Năng lực sản xuất chế biến hàng năm của Chi hội trên 300 ngàn lít nước mắm nguyên chất, trung bình mỗi lít có giá từ 45-50 ngàn đồng tùy theo thời vụ, thu về trên dưới 15 tỷ đồng, góp phần quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.


Dù được giải oan nhưng nhiều chủ cơ sở nước mắm ở thủ phủ nước mắm truyền thống ở Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn còn ấm ức trong bụng.

Dù được "giải oan" nhưng nhiều chủ cơ sở nước mắm ở thủ phủ nước mắm truyền thống ở Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn còn ấm ức trong bụng.

Đùng một cái, ngày 17/10 vừa qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) công bố thông tin nước mắm truyền thống chứa chất asen (thạch tín), lập tức những cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống trên địa bàn huyện Hoài Nhơn (Bình Định) rơi vào cảnh khốn khó bởi người tiêu dùng quay lưng, tẩy chay.

Bà Trần Thị Duyên, chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Duyên (ở thôn Ca Công, xã Hoài Hương), đến nay vẫn còn tỏ ra hoang mang khi chia sẻ về thông tin nước mắm truyền thống chứa thạch tín.

Bà Duyên bức xúc: “Bao đời nay, người dân miền biển chúng tôi vẫn luôn làm theo phương pháp truyền thống cha ông truyền dạy, cứ 3 cá thì 1 muối. 12 tháng mới rút ra nước mắm, chứ có biết asen là chất gì đâu, ở đâu mà có trong nước mắm. Hôm nghe Vinastas công bố nước mắm làm theo truyền thống có “chất độc” gì đó, khiến hoạt động cơ sở bị ngưng hoàn toàn. Doanh thu sụt giảm, có bạn hàng còn điện thoại “mắng vốn” mình, sao làm ăn thất đức…”.

Hơn 10 ngày sau bão asen nhiều cơ sở nước mắm truyền thống ở Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn hoạt động cầm chừng
Hơn 10 ngày sau "bão asen" nhiều cơ sở nước mắm truyền thống ở Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn hoạt động cầm chừng

Cùng chịu trong tâm “bão asen”, cơ sở nước mắm truyền thống Như Hoa phải gánh chịu tổn thất nặng nề nhất. Theo bà Trần Thị Như Hoa, chỉ trong vài ngày sau thông tin nước mắm chứa hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng gần như 20 đại lý lớn và 100 đại lý phân phối của bà ở khắp cả nước đều bị trả hàng, đơn hàng bị hủy hết.

“Làm nghề chân chính mấy chục năm nay, tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt theo phương pháp truyền thống để không ngừng khẳng định uy tín, chất lượng thương hiệu, nhưng tôi bị sốc trước thông tin nước mắm truyền thống chứa thạch tín. Hàng chục đại lý, nhà phân phối yêu cầu thu hồi sản phẩm. Tôi phải chạy đôn, chạy đáo ra Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh làm việc với đại lý và cam kết bồi thường sản phẩm nếu nước mắm của tôi không an toàn như thông tin mà Vinastas công bố”, bà Hoa khẳng định.

Lấy lại vị trí trong bếp bà nội trợ

Đã hơn 10 ngày “cơn bão thạch tín”, đã được minh oan, nhưng đến nay các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống trên địa bàn huyện Hoài Nhơn vẫn hoạt động cầm chừng, nhiều cơ sở tạm cho công nhân nghỉ làm vì không có đơn đặt hàng, có cơ sở chỉ vài đơn đặt hàng nhỏ lẻ. Thế nhưng, có một điều không thể phủ nhận nước mắm truyền thống đang dần lấy lại vị trí trong bếp ăn của các bà nội trợ.

Nước mắm Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) nổi tiếng bởi làm bằng cá cơm
Nước mắm Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) nổi tiếng bởi làm bằng cá cơm

Ở tuổi 73, nhưng có hơn 50 năm tuổi nghề làm nước mắm, bà Võ Thị Kính - Chủ cơ sở nước mắm bà Gái, xã Tam Quan Nam khẳng định: “Cá nục, cá ngừ rẻ nhưng tuyệt đối không dùng làm nước mắm mà chỉ muối bằng cá cơm than. Muốn nước mắm thơm ngon muối thêm cá cơm đỏ cho có mùi, không chất cấm, chất lạ gì hết. Không có chuyện nước mắm chứa thạch tín ăn vào gây ung thư. Bao đời nay rồi có ai ăn mắm ở cái huyện này bị ung thư mà chết đâu?”.

Theo bà Trần Thị Như Hoa - Chi hội trưởng Chi hội nước mắm truyền thống Tam Quan, nước mắm truyền thống đúng chuẩn phải được ủ trong hầm 12 tháng mới đem lọc qua 5 đến 7 lần đảm bảo độ trong mới cho vào chai. Nguyên liệu làm nước mắm là từ cá cơm độ đạm của nó từ 20 - 27%, tối đa là 30%, hương vị thơm ngon đậm đà hơn nước mắm công nghiệp.

Ngày xưa cha ông muối nước mắm trong lu, vai, bây giờ nước mắm được muối trong hầm làm bằng bê tông xi măng sạch sẽ, muối đúng quy trình, đảm bảo thời gian
Ngày xưa cha ông muối nước mắm trong lu, vai, bây giờ nước mắm được muối trong hầm làm bằng bê tông xi măng sạch sẽ, muối đúng quy trình, đảm bảo thời gian

Sau đợt chao đảo bởi “bão asen”, ông La Tiến Dũng, chủ cơ sở nước mắm truyền thống Như Mười (thôn Tân Thanh, xã Tam Quan Bắc), cho rằng dù cơ sở vẫn hoạt động cầm chừng nhưng ông hy vọng người tiêu dùng sớm tin dùng nước mắm truyền thống như trước đây họ vẫn ăn hàng ngày.

“Tuy là người tiêu dùng vẫn còn hoang mang lắm, họ vẫn chưa tin hoàn toàn nhưng vậy là sống rồi đó. Sau vụ thạch tín này, tôi rất mong các cấp, các ngành chức năng công bố công khai rõ quy trình sản xuất nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp để người tiêu dùng lựa chọn” - ông Dũng nói.

B. Sương - D. Công