Phố Wall chuẩn bị ra sao cho kịch bản Mỹ vỡ nợ?

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Khi các cuộc đàm phán nâng trần nợ công 31.400 tỷ USD của chính phủ Mỹ vẫn chưa đi tới hồi kết, các ngân hàng và công ty tài chính phố Wall đang chuẩn bị cho kịch bản nếu một vụ vỡ nợ thực sự xảy ra.

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là tới 1/6, ngày mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nhiều lần cảnh báo chính phủ liên bang có thể sẽ không thể trả được các nghĩa vụ nợ. Đây là một khoảng thời gian ngắn để có thể đạt được thỏa hiệp khiến nhiều ngân hàng lo lắng và có những động thái chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất.

Các ngân hàng chuẩn bị thế nào?

Ông Jane Fraser, Giám đốc điều hành Citigroup, cho biết các cuộc tranh luận về vấn đề nâng trần nợ hiện tại đáng lo ngại hơn so với những lần trước. Ngành tài chính Mỹ đã từng chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng như vậy trước đây, nhưng lần này khung thời gian để các bên đạt được thỏa hiệp tương đối ngắn, khiến các ngân hàng lo lắng.

Trước tình hình đó, ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, cho biết các ngân hàng phố Wall đang tổ chức cuộc họp hàng tuần để đánh giá những tác động và ảnh hưởng có thể xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ.

Trước mắt, các ngân hàng, nhà môi giới và nền tảng giao dịch đang chuẩn bị cho sự gián đoạn thị trường kho bạc Mỹ cũng như sự biến động rộng lớn hơn của thị trường tài chính. Việc chuẩn bị bao gồm lập kế hoạch về cách xử lý các khoản thanh toán cũng như dự đoán các phản ứng của thị trường trước một vụ vỡ nợ.

Ngoài ra, các tổ chức tài chính cũng cần đảm bảo đủ công nghệ, năng lực nhân sự, tiền mặt để xử lý khối lượng giao dịch cao. Các chuyên gia trong lĩnh vực trái phiếu cũng đã cảnh báo rằng việc duy trì mức thanh khoản cao là rất quan trọng trong việc chống lại các biến động giá tài sản mạnh.

Phố Wall chuẩn bị ra sao cho kịch bản Mỹ vỡ nợ? - 1

Các ngân hàng phố Wall tổ chức cuộc họp hàng tuần để đánh giá những tác động và ảnh hưởng có thể xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ (Ảnh: Getty).

Những kịch bản nào đang được cân nhắc?

Hiệp hội Thị trường Tài chính và Công nghiệp Chứng khoán (SIFMA) đã ban hành hướng dẫn chi tiết về cách các ngân hàng và đại lý có thể liên lạc trước và trong những ngày có khả năng xảy ra tình trạng quá hạn thanh toán trái phiếu.

Và trong kịch bản xấu nhất, Bộ Tài chính Mỹ không thanh toán được gốc và lãi phiếu trái phiếu, đồng thời không gia hạn được thời gian đáo hạn. Khi ấy, trái phiếu chưa thanh toán sẽ không thể giao dịch và chuyển nhượng trên các sàn. Theo phân tích của Moody's Analytics, thị trường vốn ngắn hạn có thể đóng băng.

Các chuyên gia cũng cảnh báo vấn đề của thị trường trái phiếu sẽ nhanh chóng lan sang các thị trường chứng khoán phái sinh, cho vay thế chấp và hàng hóa. Việc nợ vượt trần dù trong thời gian ngắn có thể sẽ khiến lãi suất tăng đột biến, giá cổ phiếu lao dốc và dẫn tới những vi phạm trong các thỏa thuận cho vay.

Ông Rob Toomey, Giám đốc SIFMA cho biết: "Thật khó khăn vì đây là điều chưa từng xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi đang nỗ lực hết sức để cùng nhau xây dựng một kế hoạch giúp các thành viên vượt qua những giai đoạn khó khăn của thị trường".

Theo Reuters