Mỹ tuyên bố có thể hết tiền vào ngày 1/6

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Bộ Tài chính Mỹ một lần nữa tuyên bố chỉ có thể đảm bảo các khoản thanh toán của Chính phủ đến hết ngày 1/6 nếu trần nợ không được nâng lên.

Lời cảnh báo này của Bộ Tài chính làm gia tăng áp lực đối với Nhà Trắng để nhanh chóng đạt được thỏa thuận tăng trần nợ trong 2 tuần tới.

"Giờ đã có thêm thông tin, tôi lưu ý rằng Bộ Tài chính ước tính sẽ không thể đáp ứng tất cả nghĩa vụ nợ của Chính phủ nếu như Quốc hội không hành động để nâng hoặc ngừng áp dụng trần nợ vào đầu tháng 6 tới", bà viết trong bức thư gửi tới Quốc hội Mỹ.

Trong lá thư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen xác nhận rằng đến đầu tháng 6, cơ quan này có thể sẽ không còn khả năng trang trải tất cả các nghĩa vụ thanh toán của Chính phủ. Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua việc tăng giới hạn nợ sớm, nước Mỹ có thể tiến tới tình trạng vỡ nợ là vào ngày 1/6.

Trong lá thư, bà Yellen hối thúc các bên hành động sớm nhất có thể. "Chúng ta đều đã học được bài học quá khứ rằng việc giữ trần nợ cho tới phút chót mới đình chỉ hoặc tăng trần nợ có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm tăng lãi suất cho vay trong ngắn hạn, và tác động xấu đến định hạng tín nhiệm của Mỹ", bà Yellen nói.

"Tôi đã yêu cầu Quốc hội tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ. Kể từ năm 1789, Mỹ luôn thanh toán các hóa đơn đúng hạn và chúng ta phải tiếp tục làm như vậy. Theo đánh giá của tôi và các chuyên gia, việc vỡ nợ đối với khoản nợ của chúng ta sẽ gây ra một thảm họa kinh tế và tài chính", bà chia sẻ thêm.

Mỹ tuyên bố có thể hết tiền vào ngày 1/6 - 1

Mỹ có thể sẽ hết sạch tiền và vỡ nợ vào ngày 1/6 (Ảnh: Reuters).

Nếu nước Mỹ không trả được nợ, hàng loạt người sẽ mất việc làm, đẩy các khoản thanh toán hộ gia đình rơi vào bế tắc. Các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đối mặt với thị trường tín dụng xấu đi và Chính phủ sẽ không thể thanh toán cho các khoản an sinh xã hội.

Dù Tổng thống Joe Biden khẳng định sự cần thiết phải tăng giới hạn nợ của quốc gia, tuy nhiên ông tuyên bố sẽ không đàm phán với phe Cộng hòa về biện pháp cắt giảm chi tiêu để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ.

Trước đó, vào năm 2011, một cuộc chiến trần nợ tương tự đã đưa nước Mỹ đến bờ vực vỡ nợ và khiến xếp hạng tín dụng hàng đầu của đất nước bị hạ bậc.

Lần này, các cuộc đàm phán có thể còn khó khăn hơn. Đảng Cộng hòa, hiện kiểm soát Hạ viện Mỹ, cho biết sẽ sử dụng trần nợ công để buộc đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Joe Biden phải nhượng bộ và cắt giảm các khoản chi của chính phủ. Theo ông Kevin McCarthy, Chủ tịch Hạ viện đã đến lúc chính phủ Mỹ phải thay đổi cách thức chi tiêu.

Theo CNBC