Phó Thủ tướng: Không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá bất hợp lý
(Dân trí) - Đối với một số mặt hàng cụ thể như xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải chủ động bảo đảm nguồn cung, không được dung túng những trường hợp sai phạm...
Ngày 24/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 8 tháng và định hướng công tác điều hành giá những tháng cuối năm nay.
Tại phiên họp, Bộ Tài chính báo cáo, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,006% so với tháng trước, bình quân 8 tháng năm nay ước tăng khoảng 2,58-2,6% so với cùng kỳ 2021.
Bộ Tài chính dự báo thời gian tới, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của kinh tế thế giới, nhất là một số nền kinh tế lớn và đối tác chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc…
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ tết cuối năm; giá thịt lợn đang có xu hướng tăng; tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào cuối năm, nhất là triển khai các công trình kinh tế trọng điểm có thể làm tăng nhu cầu nhất là đối với các mặt hàng vật tư xây dựng từ đó có thể làm giá cả biến động nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, báo cáo trung tâm của Bộ Tài chính đã cập nhật sát tình hình diễn biến giá cả thế giới, trong nước, trên cơ sở đó xây dựng các kịch bản điều hành giá và đề xuất các giải pháp điều hành trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu bộ ngành nghiên cứu kỹ báo cáo, căn cứ vào thực tế quản lý ngành, phân tích làm rõ thêm tình hình, dự báo các biến động về giá trong thời gian tới để đề xuất các giải pháp điều hành giá công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật, đạt được mục tiêu đã đề ra.
Về công tác điều hành giá những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là; cần theo dõi sát tình hình thế giới, lường trước các yếu tố tiềm ẩn rủi ro như thiên tai, bão lụt, dịch bệnh,… có khả năng xảy ra để chủ động các biện pháp ứng phó hiệu quả, kịp thời.
Ngoài việc phải sát sao, không để bị động, bởi nếu tình huống đã xảy ra rồi mới bàn cách ứng phó thì sẽ không kịp thời, khi đó chỉ là xử lý việc đã rồi, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phải tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để thực hiện tốt công tác điều hành giá trong thời gian tới.
Đối với chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát lại, nhất là những chính sách đến cuối năm nay hết hiệu lực sẽ tác động đến năm nay như thế nào, qua đó tính toán, đề xuất giải pháp phù hợp.
Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phải theo dõi chặt chẽ diễn biến giá xăng dầu thế giới để có giải pháp tài khóa kịp thời.
Đối với chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước "cần hết sức sát sao" để điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm vừa kiểm soát được lạm phát vừa hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Về hoạt động xuất khẩu, phải bám sát tình hình, có đánh giá và giải pháp tổng thể, nhất là các thị trường quan trọng đối với những ngành hàng lợi thế của đất nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý giá. Đối với những mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước thực hiện, phải tính toán, định giá phù hợp để kiểm soát được lạm phát. Đối với những mặt hàng Nhà nước không định giá, phải tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, niêm yết, kê khai giá; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm quy định pháp luật về giá…
Với một số mặt hàng, dịch vụ cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương phải chủ động bảo đảm nguồn cung xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, "không được dung túng những trường hợp sai phạm"; điều hành giá xăng dầu công khai, minh bạch, đúng pháp luật.