1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Điều hành giá xăng sớm giảm giá không sao, tăng gặp phản ứng ngay"

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đã cho biết khi trao đổi với báo chí về việc điều hành giá xăng dầu vừa qua.

Điều hành giá xăng sớm giảm giá không sao, tăng gặp phản ứng ngay - 1

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) (Ảnh: Moit).

Chiều ngày 15/2, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có cuộc chia sẻ với phóng viên liên quan tới những bất ổn trên thị trường xăng dầu vừa qua.

Vừa qua có nhiều ý kiến xung quanh những vấn đề khó khăn từ nguồn cung xăng dầu bắt nguồn từ việc điều hành chậm, chưa linh hoạt và chủ động của Bộ Công Thương?

- Điều hành xăng dầu Liên Bộ luôn phải bám sát nguyên tắc hài hòa lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước, người dân. Ngay khi nắm được tình hình Nghi Sơn, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các Sở Công Thương, doanh nghiệp đầu mối chủ động nguồn hàng, chỉ đạo các đầu mối tăng nhập khẩu ngay. Chúng tôi cũng đã có cuộc làm việc với Nghi Sơn, Bình Sơn để đưa công suất tăng lên.

Sau khi làm việc với bên, Bộ cũng đã có văn bản gửi Chính phủ ngày 28/1, báo cáo về tình hình thế giới, trong nước và trong đó có kiến nghị cho phép Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu cho kỳ điều hành tới.

Bộ cũng nhận định được nguồn cung gián đoạn sẽ ảnh hưởng, thì một trong giảm áp lực phần nào cho doanh nghiệp là điều hành sớm, bám sát giá thế giới, tạo nguồn tốt hơn.

Tuy nhiên, sau khi tính toán, cân nhắc các mục tiêu khác như cân đối ổn định vĩ mô, tránh tăng giá mặt hàng này dịp Tết, tạo áp lực lên lạm phát, tính toán của cơ quan thống kê, CPI tháng 1 tăng 1,94%, trong khi xăng dầu chiếm tỷ trọng cao trong rổ tính CPI. Vì thế, việc điều hành mặt hàng này phải tính toán tổng thể, hài hòa các yếu tố ổn định vĩ mô, lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Điều hành sớm mà giảm giá thì không sao, còn tăng giá sẽ gặp phản ứng ngay và không có lợi cho người dân trong bối cảnh giá cả dịp Tết Nguyên đán tăng cao.

Nghị định 83 không có điều khoản quy định trong trường hợp điều hành có thể linh hoạt điều hành, Nghị định 95 đã có điều khoản này.

Ông đánh giá ra sao về hiện tượng găm hàng trước mỗi kỳ tăng giá. Các đợt kiểm tra của Bộ Công Thương có "chỉ mặt đặt tên" những đơn vị giảm nguồn cung ra thị trường?

- Quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ở tất cả khâu (đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ…) nếu có hành vi găm hàng, không muốn bán ra để chờ tăng giá.

Bộ đã lập 3 đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp, địa phương. Bộ cũng có công văn gửi các tỉnh, tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo quản lý thị trường địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát.

Ở góc độ doanh nghiệp, cũng cần chia sẻ với họ vì vừa rồi nguồn cung đứt gãy cục bộ do vấn đề ở Nghi Sơn. Giá thế giới vừa rồi tăng liên tục, rất mạnh nên khi các doanh nghiệp ký hợp đồng mua thêm hàng từ đối tác cung ứng nước ngoài, thì vừa ký, nhập xong thì hàng về là lỗ vì giá lên liên tục. Tuy vậy, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp lúc này cần chia sẻ với mục tiêu quản lý vĩ mô Nhà nước, lợi ích 100 triệu dân.

Trong kết luận cuộc họp về nguồn cung xăng dầu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nói rõ trách nhiệm trong khan hiếm xăng dầu là của Bộ Công Thương?

- Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ. Bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước lĩnh vực mình phụ trách nhưng Bộ cũng đã làm hết mức, từ chỉ đạo bổ sung nguồn, dự báo tình hình, báo cáo đề xuất phương án điều hành sớm hơn, điều tiết cung cầu từ chỗ dư dả tới chỗ thiếu hụt và quan điểm tham mưu "điều hành sớm". Bộ nỗ lực đảm bảo nguồn cung, nhưng trong công tác điều hành cần tính toán tổng thể hài hòa các yếu tố.

Theo các báo cáo, nguồn tài chính ngắn hạn Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được các đối tác cấp vừa rồi chỉ đủ giúp nhà máy này vận hành bình thường tới tháng 5. Kịch bản điều hành của Bộ với thị trường xăng dầu ra sao sau thời điểm này?

- Ngày 14/2, Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đầu mối, thương nhân phân phối cung cấp các số liệu liên quan tới lượng hàng mua trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu trong nước; lượng xăng dầu thực tế các đơn vị sản xuất trong nước đã giao từ đầu năm 2022 đến nay cũng như cập nhật kế hoạch cung cấp xăng dầu cho thị trường, kế hoạch nhập khẩu...

Từ dữ liệu này, chúng tôi sẽ tính toán tổng nguồn, giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu để đảm bảo nguồn trong nước khi rơi vào kịch bản xấu nhất.

Bộ Công Thương khẳng định tổng nguồn sẽ đáp ứng đầy đủ cho tổng cầu nền kinh tế. Chúng tôi đã tính phương án để tự chủ hơn về nguồn cung, đề phòng phương án xấu nhất của Nghi Sơn không hoạt động bình thường.

Tôi cho rằng cũng phải nói đến trách nhiệm 2 nhà máy lọc dầu. Chính phủ đã tạo điều kiện hết mức, như Nghị định 95 đã cho 2 nhà máy quyền nhập khẩu, tức trao cho họ quyền kinh doanh dù không xây dựng hệ thống. Các nhà máy này cần nâng cao trách nhiệm. Nghi Sơn là dự án có nhiều ưu đãi đặc biệt, nên nhà máy này cần có trách nhiệm với an ninh năng lượng, đất nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm