1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Phó Thủ tướng khẳng định tăng trưởng không phụ thuộc Samsung

(Dân trí) - Phó Thủ tướng cho biết, kết quả tăng trưởng vừa qua không phải là phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực như Samsung hay một vài sản phẩm thép mà đã có sự tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành, lĩnh vực, sản phẩm của nền kinh tế.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh Việt Hưng).
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh Việt Hưng).

Tại phiên thảo luận Quốc hội diễn ra sáng nay (2/11), thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giải trình về một số nội dung được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong Phiên thảo luận 2,5 ngày của Quốc hội.

Tăng trưởng không phụ thuộc vào Samsung, Formosa

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt kết quả rất tích cực với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%. Đạt kết quả này là nhờ tăng trưởng cao và khá đồng đều ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Dẫn các số liệu về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch đều có mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, kết quả tăng trưởng vừa qua không phải là phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực như Samsung hay một vài sản phẩm thép.

"Đạt được kết quả trên là do tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, lĩnh vực, sản phẩm của nền kinh tế. Đặc biệt, ngành khai khoáng thời gian qua giảm mạnh như vậy nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt chỉ tiêu do Quốc hội đặt ra. Tức là lần đầu tiên, nền kinh tế nước ta tăng trưởng không phụ thuộc vào khai khoáng. Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng tích cực; đồng thời, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cũng đã bước đầu cho kết quả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017 là 6,7%, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện, bên cạnh cơ hội, thuận lợi thì có không ít khó khăn.

"So với 2016, dầu khí, khai khoáng giảm 0,5-0,7% GDP. Lúc đó nhiều ý kiến bên ngoài cho rằng không chạy theo mục tiêu tăng trưởng, cũng đúng, nhưng Chính phủ kiên định bởi tăng trưởng 6,7% mới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nếu không tất cả bài tính phải tính lại hết. Chỉ số này góp phần đảm bảo an toàn nợ công, tạo ra nhiều việc làm, thu ngân sách tăng, đảm bảo các mục tiêu chi, đầu tư xây dựng, góp phần giảm bội chi", ông cho biết.

Cũng theo Phó Thủ tướng, phải đạt mức tăng trưởng cao hơn, Việt Nam mới rút ngắn được khoảng cách với các nước trong khu vực, thế giới, khắc phục tụt hậu.

Tuy nhiên, theo ông, chất lượng tăng trưởng khiến nhiều đại biểu chưa hài lòng thể hiện ở hiệu quả đầu tư chưa cao, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn thấp, công nghiệp hỗ trợ còn chậm, đặc biệt trong ôtô, việc cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm...

"Chính phủ vẫn đang tập trung chỉ đạo tái cấu trúc ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phù hợp. Trong đó, tập trung các giải pháp đồng bộ, hoàn thiện thể chế như Luật đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, phí, ngân sách", ông Dũng khẳng định.

Còn nhiều lo ngại về nợ công, bất ổn kinh tế

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đồng thời bày tỏ sự vui mừng với những kết quả nổi bật đã đạt được.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% song cần đánh giá thêm về hiệu quả, tính bền vững và chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn và phụ thuộc vào FDI; năng suất lao động chưa được cải thiện rõ nét; sự tăng trưởng chưa bền vững.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, một số ý kiến cho rằng, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều vấn đề đặt ra, chỉ số giá tiêu dùng, lĩnh vực xuất nhập khẩu, lao động việc làm, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, vấn đề giải quyết nợ xấu có khởi sắc song còn nhiều khó khăn, là vấn đề cần tập trung giải quyết; nợ công vẫn đang tăng nhanh, là nguy cơ tạo ra sự bất ổn kinh tế vĩ mô.

Công tác quản lý đầu tư FDI còn có vấn đề như: chính sách thu hút đầu tư chưa công bằng giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, tình trạng kê giá, chuyển giá, lỗ giả diễn ra ở một số doanh nghiệp FDI nhưng chưa được xử lý nghiêm; việc tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp trong nước để đủ sức cạnh tranh còn nhiều hạn chế…

Về thực hiện dự toán NSNN năm 2017, ông Phùng Quốc Hiển kết luận, nhiều ý kiến cho rằng, thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững và thiếu tính ổn định. Nợ công giữ được mức trong giới hạn cho phép, bội chi ngân sách đạt 3,42% GDP. Tuy nhiên, nợ công tăng nhanh, an toàn nợ công chưa cao, do vậy, cần tiếp tục tăng cường kiểm soát.

Dự báo năm 2018 kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng khá hơn, song, xu hướng tăng cường các biện pháp bảo hộ sẽ tác động đến thương mại của các nước. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn khó khăn, thách thức như: sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều trở ngại, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chuyển biến chậm; biến đổi khí hậu...

Phương Dung