Kinh tế tăng trưởng mạnh, GDP bình quân đầu người ước đạt 2.400 USD

(Dân trí) - Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2017, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Đặc biệt, quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 224,6 tỷ USD, GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.400 USD.

Sáng nay (23/10), Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV chính thức được khai mạc. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Kinh tế tăng trưởng mạnh, GDP bình quân đầu người ước đạt 2.400 USD - 1

Báo cáo cho biết, trong năm qua Chính phủ đã mua thêm 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước tới nay; kỷ luật tài chính được tăng cường; nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục; thị trường chứng khoán cao nhất từ 2008; công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu được tăng cường; năng lực cạnh tranh tăng; ước cả năm GDP đạt 6,7%...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường; khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản; Tổ công tác của Thủ tướng tăng cường kiểm tra đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, khắc phục tình trạng "nói không đi đôi với làm"; kiên quyết xử lý các công chức sai phạm; đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; xử lý nhiều vụ việc tham nhũng; chú trọng công tác thanh tra, tập trung vào những vấn đề gây bức xúc...

Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế yếu kém về: Chất lượng tăng trưởng; năng suất lao động; năng lực cạnh tranh; giải ngân vốn đầu tư; xử lý nợ xấu; tái cơ cấu nền kinh tế; quản lý đô thị; quản lý tài nguyên môi trường; tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập,...

Quy mô GDP tăng lên 5 triệu tỷ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế của quý I/2017 gặp một số khó khăn, tốc độ tăng GDP đạt thấp so với cùng kỳ do mới bước vào thực hiện kế hoạch và sự giảm sâu của ngành công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, từ quý II tăng trưởng GDP đã có sự bứt phá mạnh mẽ, tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,41%, cao hơn mức tăng cùng kỳ là 5,99%.

Trên cơ sở kết quả thực hiện của 9 tháng đầu năm 2017, dự báo tình hình kinh tế quốc tế và trong nước, ước tăng trưởng GDP cả năm 2017 đạt khoảng 6,7%. Quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 224,6 tỷ USD, GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.400 USD.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý, nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi, tăng trưởng một số ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, vận tải, khai khoáng, du lịch, thông tin truyền thông thấp hơn dự kiến thì ước tăng trưởng GDP cả năm 2017 có thể thấp hơn.

Báo cáo Chính phủ cho biết, trong năm 2017, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng/2017 tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng tăng 1,53% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Trong các tháng còn lại của năm 2017, giá cả có thể tăng lên do nhu cầu tiêu dùng gần dịp Tết.

"Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát vẫn là nhiệm vụ ưu tiên và các giải pháp kiểm soát tiếp tục được triển khai thực hiện. Ước thực hiện cả năm, CPI bình quân tăng khoảng 4% so với năm 2016, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao", Chính phủ khẳng định.

Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực, mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, lãi suất cho vay giảm dần nhờ việc điều chỉnh giảm 0,25%/năm lãi suất điều hành các mức và điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng lên mức 44 tỷ USD.

Thu, chi ngân sách nhà nước tuy gặp một số khó khăn nhưng cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Ước thực hiện cả năm, tổng thu cân đối NSNN đạt khoảng 1.239,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với dự toán năm, tăng 10,1% so với năm 2016. Tổng chi cân đối NSNN đạt khoảng 1.413,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán năm, tăng 9,3% so với năm 2016. Bội chi NSNN khoảng 174,3 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,5% so với GDP ước thực hiện.

Thu hút FDI chưa tương xứng

Theo nhận định của Chính phủ, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian qua tăng mạnh, nhờ hiệu ứng dịch chuyển dòng vốn đầu tư của thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng hấp thụ tốt, một số dự án FDI quy mô lớn thực hiện tăng vốn đầu tư trong năm như Samsung Display tăng 2,5 tỷ USD; tình hình thực hiện vốn đầu tư FDI có chuyển biến tích cực; đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài duy trì mức độ hợp lý.

​Ước thực hiện cả năm 2017, tổng vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài (bao gồm vốn FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt khoảng 28 tỷ USD (tăng 4,5% so với năm 2016 và vượt 12% so với mục tiêu năm 2017). Trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện khoảng 17 tỷ USD (tăng 7,5% so với năm 2016 và vượt 9,6% so với mục tiêu năm 2017) và vốn đầu tư thực hiện thông qua góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 3 tỷ USD.

Dù vậy, Chính phủ thừa nhận, giải ngân vốn FDI tuy có tăng nhưng còn chưa tương xứng với tốc độ tăng vốn đăng ký. Cơ cấu đầu tư theo hướng tích cực, phần lớn đầu tư nước ngoài vẫn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

"Tuy nhiên, các dự án cấp mới phần lớn có quy mô vốn nhỏ, chủ yếu tập trung vào lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp; giá trị xuất khẩu thực hiện theo hình thức gia công, sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thấp, hiệu ứng lan tỏa và tính liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài đối với khu vực trong nước chưa cao", Chính phủ nhìn nhận.

Nhập siêu từ ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng mạnh

Hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả ấn tượng ngay trong những tháng đầu năm do những tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường thế giới, tác động của các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới và sản xuất trong nước phục vụ xuất khẩu tăng trưởng khá. Ước thực hiện cả năm vượt mục tiêu đã đề ra.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2016. Ước thực hiện cả năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 202 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2016, cao hơn nhiều so với kế hoạch Quốc hội đề ra (6-7%).

Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đạt 154,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2017 ước đạt 205 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2016. Ước nhập siêu năm 2017 khoảng 3 tỷ USD, chiếm 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức Quốc hội đề ra (3,5%).

Đáng lưu ý là nhập siêu từ khu vực ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc có chiều hướng tăng do tác động của lộ trình giảm thuế theo các cam kết thương mại quốc tế. Tính riêng 9 tháng năm 2017, nhập siêu từ Hàn Quốc khoảng 23,4 tỷ USD, Trung Quốc khoảng 19,7 tỷ USD và ASEAN khoảng 4,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhập siêu tăng chủ yếu là do nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như nguyên liệu, máy móc, thiết bị, linh kiện; nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị cho các dự án sản xuất lớn tăng như dự án của Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Viettel...

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hoạt động để lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp nhằm xử lý kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách, hướng tới mục tiêu Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.

Cùng với những Nghị quyết chuyên đề quan trọng của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tạo niềm tin và sự an tâm phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Hoạt động xúc tiến đầu tư diễn ra mạnh mẽ ở các vùng, các địa phương, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, đã tạo ra hiệu quả tích cực, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, hưởng ứng, đem lại nhiều kết quả khả quan trong việc thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng và sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa phương trong cả nước.

Nhờ đó, kết quả khởi nghiệp, đăng ký kinh doanh có nhiều khởi sắc. Tính chung 9 tháng đầu năm, có 93.967 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 902.682 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký. Vốn đăng ký bình quân trên 01 doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Ước cả năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 125 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,5% so với năm 2016. Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp dân doanh thành lập mới ước đạt 1.214 nghìn tỷ đồng, tăng 36,3%.

Phương Dung