Vấn đề kinh tế nổi bật trong tuần:

Phép thử từ BOT và những cơn đau đầu, đứt ruột vì thuế - phí

(Dân trí) - Trong tuần, sự kiện gây được sự quan tâm của dư luận nhất là phần trả lời về trách nhiệm của các Bộ, ngành quản lý các dự án BOT. Tiếp đó là ý kiến hàng loạt chuyên gia phản đối đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, đặc biệt, đề xuất xin xoá thuế nhập linh kiện lắp ráp xe trong nước tiếp tục gây ra "cơn bão" tranh luận về bảo hộ xe hơi trong nước

Nghèo hóa bởi thuế VAT "không có mắt"

Sau hàng loạt ý kiến phản đối của cộng đồng về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với nhiều mặt hàng thông thường, trong đó có nước sạch, dụng cụ y tế, giáo dục..., các chuyên gia kinh tế đăng đàn phản đối.

Phép thử từ BOT và những cơn đau đầu, đứt ruột vì thuế - phí - 1

Tại một cuộc họp của Bộ Tài chính nhằm lấy ý kiến chuyên gia kinh tế về dự án luật sửa đổi, bổ sung năm luật thuế (thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt và thuế tài nguyên), phần lớn các chuyên gia không ủng hộ đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, chỉ có duy nhất một chuyên gia ủng hộ hết mình.

Cho dù danh tính của vị chuyên gia không được tiết lộ, song dư luận đặt ra câu hỏi liệu vị này có đứng trên lợi ích của người dân hay chưa? Bên cạnh đó, liệu rằng việc tăng thuế đã được xem xét khoa học, sàng lọc tránh đánh vào người nghèo trong xã hội?

Về phần mình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính sẽ khiến người thu nhập thấp, cận nghèo sẽ bị nghèo hoá. "Cái lo ngại nhất là ảnh hưởng đến lượng tiêu dùng khiêm tốn của người dân khi lương chưa kịp tăng bao nhiêu thì lại tăng thuế VAT, làm cho giá cả các mặt hàng tăng lên. Tất cả cái này ngược đi, ngược lại và làm ảnh hưởng liên tục đến người tiêu dùng", chuyên gia Lan nói.

BOT đường bộ: Phép thử và niềm tin

Những ồn ào xung quanh trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt sai chỗ để thu cả tuyến đường sửa chữa đã dấy lên làn sóng đòi hỏi trách nhiệm cơ quan quản lý, xây dựng chính sách cho BOT. Bên cạnh đó, BOT đang khiến dân chúng đặt ra câu hỏi về niềm tin của đơn vị quản lý, khi để xảy ra nhiều bất cập như hiện nay.

Đăng đàn trả lời những câu hỏi về trách nhiệm của mình, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cơ quan soạn thảo các điều luật về Hợp tác Công tư trong xây dựng cơ bản (PPP), trong đó có BOT, ông Đặng Huy Đông cho rằng: "Bộ KHĐT là đơn vị chủ trì ra chính sách nhưng chúng tôi cần đồng thuận trong Chính phủ, đồng thuận trong xã hội để ủng hộ cho việc quản lý đấu thầu và quản lý PPP phải theo chuẩn mực".

"Còn bài toán làm thế nào để chuẩn mực, chúng tôi khẳng định Bộ KHĐT có ngay từ đầu từ năm 2009. Thực tế chứng minh những gì chúng tôi đặt ra không làm thì giờ đã bộc lộ hậu quả. BOT nếu làm đúng, làm tốt rất có lợi cho mọi quốc gia. Nhưng nếu làm không tốt, nới lỏng thì rủi ro tham nhũng là lớn nhất trong các loại tham nhũng", Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Cũng trả lời với dân về trách nhiệm quản lý hơn 88 dự án BOT trên cả nước, Bộ GTVT khẳng định: Các nhà đầu tư không khó khăn mà họ còn hưởng lợi nhuận 12%/năm. Điều này cho thấy chủ đầu tư các dự án BOT hiện nay không phải sống dở, chết dở do lượng xe ít như nhiều doanh than thở

Doanh nghiệp bút phê thủ tục "buồn cười quá"

Trong tuần, hai đề xuất gây sốc dư luận là bút phê của một công ty chuyên xây dựng nhà tại Hà Nội 2 lần 3 lượt gửi lên Bộ GTVT, Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội và Thủ tướng xin làm chủ đầu tư đường sắt đô thị số 1 tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên và đầu tư mở rộng đường quốc lộ 1 A đoạn qua Thường Tín.

Điều đáng nói, công ty này có bút phê "buồn cười quá" gửi Thủ tướng khi đơn kiến nghị của mình được Văn phòng Chính phủ gửi xin ý kiến các bộ chuyên ngành. Trong khi đó, về phần mình, công ty không chứng minh được năng lực tài chính, kinh nghiệm và chỉ đưa ra các lý do định tính nhằm thuyết phục mình được tham gia dự án.

Cũng chung đề xuất lên Thủ tướng, mới đây Công ty Geleximco cùng với doanh nghiệp Trung Quốc đề xuất được đầu tư sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP) và cam kết đưa dự án vào vận hành trong thời gian xây dựng từ 3-5 năm.

Xe Việt nuôi thêm hy vọng "đấu" xe Thái, Indonesia

Lại một sự kiện liên quan đến thuế nhưng ở góc độ giảm thuế. Bộ Tài chính vì quyền lợi doanh nghiệp (DN) ô tô Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ bỏ và giảm thuế nhập linh kiện lắp ráp ô tô du lịch lắp ráp trong nước có dung tích 2.000 cc và xe tải 5 tấn trở xuống.

Theo lý giải của Bộ này, 5 năm tới từ năm 2018 - 2022, nếu thuế nhập xe nguyên chiếc từ ASEAN giảm về 0%, ngân sách thất thu hơn 22.000 tỷ đồng, để giảm tác hại, chỉ còn cách giảm thuế, tăng sản lượng xe hơi trong nước, giảm nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Một lần nữa, quyền lợi của các DN xe hơi tại Việt Nam được cân nhắc khi trước đó 1 tuần, Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe bán tải nhập khẩu về Việt Nam - loại xe đang được rất đông người tiêu dùng Việt yêu thích vì đa dụng. Mức thuế tăng lên 30 - 54% tùy theo dung tích, đồng nghĩa xe này sẽ đắt hơn cả trăm triệu đồng/chiếc.

Thu hồi dự án xấu xí đất vàng, báo cáo vụ phong giáo sư cho Ngọc Sơn

Xung quanh vụ lùm xùm liên quan việc ca sĩ Ngọc Sơn được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam (VATA) tặng bằng khen cho ông Phạm Ngọc Sơn với nội dung ghi trên bằng khen là “Giáo sư âm nhạc, ca sỹ Phạm Ngọc Sơn”, Bộ Công Thương đã yêu cầu Hiệp hội trên báo cáo vụ việc.

Bộ Công Thương cho rằng, các quyết định liên quan của Bộ Nội vụ, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam hoạt động trên phạm vi toàn quốc và chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội (trong đó có Bộ Công Thương) theo quy định của pháp luật. Chính vì thế, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu Hiệp hội trực thuộc báo cáo vụ việc để xác minh làm rõ.

Cũng tâm điểm của dư luận phía Nam, ngày 21/8, Công ty VAMC đã thu hồi tòa tháp Sài Gòn One Tower - tòa tháp văn phòng án ngữ khu đất vàng tại quận 1, TP.HCM sau nhiều năm liền vẫn ở tình trạng dở dang, làm xấu bộ mặt của TP.HCM.

Ngày 21/8, Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Khoản nợ của Công ty quản lý Sài Gòn One Tower tại nhiều công ty đến đến thời điểm hiện nay đã lên trên 7.000 tỷ đồng.

Nguyễn Tuyền