Phát hiện khóa Việt Tiệp giả, cùng hàng tấn hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam

(Dân trí) - Tại Lạng Sơn, cơ quan hải quan đã phát hiện công ty nhập hàng tấn sản phẩm từ Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác Việt Nam.

Đây là thực tế được ông Nguyễn Phi Hùng – Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác 6 tháng năm 2019 của ngành Hải quan.

Phát hiện khóa Việt Tiệp giả, cùng hàng tấn hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam - 1

Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan

Theo Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu, từ đầu năm đến nay, các đối tượng đầu nậu, nước ngoài gia tăng hoạt động đưa phế thải vào Việt Nam.

Ông Hùng cho biết, liên quan vấn đề này Việt Nam khởi tố 9 vụ án liên quan nhập khẩu phế thải vào Việt Nam, qua đó chặn dòng phế thải vào nước ta.

Số container rác thải tồn đọng đã giảm gần 8.000 container. Cục Điều tra Chống buôn lậu phát hiện một phương thức thủ đoạn mới là đưa ma túy vào Việt Nam thông qua đường nhập khẩu phế liệu.

Cục Điều tra Chống buôn lậu nhận định, thời gian gần đây, xuất hiện một số doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu tăng đột biến, trong đó có mặt hàng nhạy cảm mà Hoa Kỳ đánh thuế vào trung Quốc.

Cơ quan hải quan đang tập trung xử lý triệt để như vụ lợi dụng Việt Nam để đưa hàng lậu xuất đi nước thứ 3, ví dụ như việc đưa hàng triệu tấn nhôm thành phẩm để đưa đi nước khác hay vụ hàng tấn mật ong có nguồn gốc Trung Quốc, dán mác xuất xứ Việt Nam để xuất sang nước ngoài. Đặc biệt một doanh nghiệp bình thường có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến hàng chục triệu USD một cách bất thường.

Ông Hùng nói: Sau đó, Cục Điều tra Chống buôn lậu vào cuộc và xử lý được sai phạm của 6 doanh nghiệp. Sai phạm của họ tập trung ở chỗ sử dụng hợp đồng mua bán nhưng ký khống, giấy chứng nhận xuất xứ giả; thu mua giả từ các hộ dân...

Đặc biệt, "doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Trung Quốc về nhưng không khai báo để cấp C/O rồi thay đổi bằng việc kê khai mua khống keo, bạch đàn", ông Hùng thông báo.

Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu thông tin: Tại Lạng Sơn, cơ quan hải quan đã phát hiện công ty nhập hàng tấn sản phẩm từ Trung Quốc nhưng dán nhãn mác Việt Nam. 

Đáng nói, theo ông Hùng có doanh nghiệp kê khống làm thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng 12 - 34 tỷ đồng bị cơ quan hải quan kiến nghị xử lý. Vi phạm này có lỗi của cơ quan chức năng địa phương khi buông lỏng quản lý.

"Việc đấu tranh của cơ quan chức năng hiện nay nhằm mục đích bảo hộ hàng hóa có sở hữu trí tuệ, chống thất thu ngân sách Nhà nước, kê khai khống giá trị hoàn thuế. Tuy nhiên qua thực tế điều tra, quản lý Nhà nước liên quan đến cấp phép xuất xứ C/O vẫn còn nhiều bất cập", ông Hùng cho biết.

An Linh