Phát hiện gần 3.400 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, xử phạt 17 tỷ đồng

(Dân trí) - Theo đại diện Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), thực tế, trong thời gian gần đây, hoạt động về tội phạm và vi phạm trong an toàn thực phẩm có diễn biến phức tạp và rất đáng chú ý.

Chất vàng ô được phát hiện trong thức ăn chăn nuôi để tạo màu đẹp, đồng thời khi cho gà ăn sẽ giúp chân, da gà có màu vàng bắt mắt. (Ảnh minh hoạ).
Chất vàng ô được phát hiện trong thức ăn chăn nuôi để tạo màu đẹp, đồng thời khi cho gà ăn sẽ giúp chân, da gà có màu vàng bắt mắt. (Ảnh minh hoạ).

Gần 3.400 vụ vi phạm an toàn thực phẩm

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an cho biết, theo số liệu thống kê, năm 2015, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 3.365 vụ liên quan đến an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính trên 2.400 vụ với số tiền gần 17 tỷ đồng.

Chỉ riêng 2 tháng cuối năm 2015, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 428 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 341 vụ với số tiền là 2,5 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra khởi tố là 3 vụ, 4 đối tượng.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, vừa qua, Hiệp hội nhận được trên 2.000 vụ khiếu nại, trong đó có nhiều khiếu nại về an toàn thực phẩm.

Một thống kê khác do ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiết lộ cũng cho hay, năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao cho Thanh tra Bộ có kế hoạch thanh tra chuyên đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, trọng tâm là thanh tra vật tư nông nghiệp, trong đó bao gồm cả phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh…

"Chúng tôi đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống tại 63 tỉnh thành vào cuộc. Đến nay đã có 59 địa phương gửi báo cáo về Bộ. Kết quả cho thấy, 59 địa phương đã tiến hành thanh tra 49.451 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó phát hiện 10.165 cơ sở vi phạm", ông Việt cho biết.

Theo Đại tá Trần Trọng Bình, thực tế, trong thời gian gần đây, hoạt động về tội phạm và vi phạm trong an toàn thực phẩm có diễn biến phức tạp và rất đáng chú ý. Trong trồng trọt, chăn nuôi, có một bộ phận đối tượng đã sử dụng chất cấm để pha trộn vào thức ăn chăn nuôi đối với gia súc, gia cầm; sử dụng các chất cấm để bảo quản nông sản; sử dụng các phụ gia không được phép đưa vào thực phẩm; tái chế các thực phẩm đã quá hạn sử dụng, bị hư hỏng, ôi thiu…

Việc sử dụng các loại thực phẩm có phụ gia hóa chất cấm gây tác hại trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe, tính mạng của con người; ảnh hưởng đến phát triển nòi giống; tác động tiêu cực đến chính sách về an sinh xã hội; đầu tư phát triển kinh tế. Đảng, nhà nước và các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để tập trung giải quyết tình trạng này

"Cùng với yếu tố quy luật gia tăng của các loại tội phạm, thì đây còn là loại tội phạm “ẩn” có đặc thù là khi các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh quyết liệt thì mới phát hiện làm rõ được các tổ chức, cá nhân vốn đã vi phạm trong kinh doanh thực phẩm được hoạt động, tồn tại từ trước", ông Bình nói.

Chế tài còn nhẹ?

Theo Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tuy tình hình vi phạm đã giảm, song chưa đáp ứng được yêu cầu. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó, Luật Thanh tra ra đời quy định rõ công chức tham gia thanh tra kiểm tra nhưng vấn đề tổ chức bộ máy ở địa phương mới tham gia được 2-3 năm nay. Công tác đảm bảo chế độ cho lực lượng thanh tra chưa được quan tâm nhiều, điều kiện phục vụ cho công tác thanh tra cũng còn thiếu.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vấn đề quan trọng vẫn là khi phát hiện phải kiên quyết xử lý. Thực tế qua quá trình kiểm tra đôn đốc, một số địa phương làm rất nghiêm túc, xử lý rất mạnh mẽ nhưng có những địa phương tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra nhưng số các cơ sở bị xử phạt rất ít, như có địa phương 1 năm tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra nhưng chỉ xử lý 2 cơ sở.

"Một số địa phương báo cáo do thiếu chế tài, nhưng nếu không có chế tài thì không thể phạt được một cơ sở nào chứ không phải 2 cơ sở. Do đó, chúng ta phải xử lý cương quyết, tránh trường hợp nể nang", ông Phong nhấn mạnh.

Trước nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, ông Phong cho rằng, trong lĩnh vực thực phẩm mức xử phạt tương đối nghiêm khắc. Ví dụ mức xử phạt tối đa theo Luật xử phạt vi phạm hành chính, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng, với lĩnh vực an toàn thực phẩm nếu mức xử phạt đó chưa tương xứng thì luật còn cho phép phạt gấp 7 lần số hàng hóa vi phạm. Nếu chúng ta dám quyết liệt làm thì không lo không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, các cơ sở vi phạm ngoài việc phạt tiền, xử lý bằng hình phạt bổ sung, còn công bố tên các cơ sở vi phạm, địa chỉ công ty, hành vi vi phạm... đây là biện pháp bổ sung rất hiệu quả.

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Trần Trọng Bình cũng cho rằng, Luật hình sự hiện hành quy định tại điều 244 về tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có quy định yếu tố cấu thành của loại tội phạm này là phải gây ra hậu quả nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là phải gây ra chết người hoặc ngộ độc hàng loạt thì đối tượng vi phạm về an toàn thực phẩm mới bị xử lý về mặt hình sự.

Tuy nhiên, để khắc phục bất cập này, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh mạnh mẽ với loại tội phạm về an toàn thực phẩm, Luật hình sự bổ sung sửa đổi năm 2015 đã điều chỉnh và quy định hành vi đưa các chất cấm vào thực phẩm, chưa cần gây hậu quả nghiêm trọng thì đã cấu thành tội phạm và bị xử lý về mặt hình sự. Đây một bước tiến lớn về mặt pháp lý, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh mạnh mẽ với loại tội phạm về an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Hai năm theo đuổi mới kiện xong một vụ ngộ độc

Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Bảo vệ người tiêu dùng giao hội chức năng hòa giải và hiện hội đang sử dụng công cụ này để giải quyết tranh chấp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ông Hùng, về mặt luật pháp cho phép Hội có thể đi đến cùng với người tiêu dùng nhưng để làm được việc đó Hội còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết đó là vấn đề kinh phí, Hội phải tự lo liệu, ngân sách không hề cấp cho hội hoạt động; Hội cũng không thu từ người tiêu dùng.

"Hội có thể thay mặt người tiêu dùng để khởi kiện, nhưng chi phí cho 1 vụ kiện thì từ nguồn nào? Hội không có nguồn. Khi đưa 1 vụ ra tòa, có thể thắng, có thể thua kiện. Nếu thắng kiện, người tiêu dùng được bồi thường hoặc nếu không xác định được địa chỉ người tiêu dùng thì nộp vào ngân sách. Trong khi đó, nếu thua kiện, Hội lấy nguồn tiền nào để chi? Trong khi đó, phía bị đơn có thể là 1 doanh nghiệp, về tài chính họ rất mạnh, họ sẵn sàng thuê các luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình. Trong khi về phía Hội việc này là bất khả thi", ông Hùng nói.

Ngoài ra, thời gian theo đuổi một vụ việc cũng mất nhiều thời gian. Ông Hùng dẫn ví dụ, vừa qua, Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở Bến Tre đã giải quyết cho 1 đơn khiếu nại trên phương án hòa giải nhưng bị đơn không đến, thiếu hợp tác nên Hội đã tư vấn đưa vụ việc ra tòa, có sự tham gia của luật sư. Do đó, phải sau 2 năm theo đuổi vụ kiện, cuối cùng đơn vị sản xuất bánh mỳ làm hơn 90 người bị ngộ độc mới phải bồi thường với số tiền không nhiều.

Phương Dung

 

Phát hiện gần 3.400 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, xử phạt 17 tỷ đồng - 2