An toàn thực phẩm ngày Tết: Người tiêu dùng không đơn độc!
(Dân trí) - Gần 30 câu hỏi về vai trò của các cơ quan chức năng, làm sao để đảm bảo toàn thực phẩm ngày Tết; quyền lợi của người tiêu dùng như thế nào khi gặp phải thực phẩm kém chất lượng... đã được đại diện Cục An toàn thực phẩm, Hội Bảo vệ người tiêu dùng và Cục Cảnh sát môi trường giải đáp cặn kẽ trong suốt 2 tiếng diễn ra Giao lưu tại toà soạn.
Xin mời bạn đọc theo dõi toàn bộ buổi Toạ đàm tại đây
Để đảm bảo các nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đã thành lập nhiều đoàn thanh tra liên ngành (tăng 15% so với dịp Tết Canh Dần), tập trung kiểm tra quyết liệt các mặt hàng thực phẩm Tết như các loại bánh mứt kẹo, ô mai; các sản phẩm chế biến từ thịt, dịch vụ ăn uống tại 30 tỉnh, thành phố... trong đó chú ý đến các tiêu chuẩn chất lượng như nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, điều kiện sản xuất...
Tuy nhiên, những thông tin về thực phẩm kém an toàn, từ mứt tết bẩn, thịt bẩn…. liên tục được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua đã cho thấy tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Liên tục trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về VSATTP. Hàng tấn mỡ động vật đã thối rữa vẫn được vận chuyển công khai đi tiêu thụ; thịt gia súc, gia cầm bày bán tràn lan nhưng không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch thú y; bánh mứt kẹo, ô mai, hạt dưa đỏ tẩm ướp hoặc nhuộm hóa chất độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc, thậm chí ung thư...
Bên cạnh đó, các sản phẩm giò, chả... cũng chủ yếu vẫn được sản xuất theo kiểu thủ công truyền thống nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất, trang thiết bị không đảm bảo nên chất lượng rất khó được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn nằm ngoài tầm quản lí của cơ quan chức năng khiến cho thị trường vẫn phát hiện các loại thực phẩm không "sạch"...
Tất cả những vi phạm được phát hiện là bằng chứng để mỗi người dân luôn nơm nớp với nỗi lo mua phải thực phẩm "bẩn".
ThS. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo: Khi nhu cầu tiêu dùng lớn, nếu không kiểm soát tốt sẽ là cơ hội để các sản phẩm thực phẩm trôi nổi, kém chất lượng bung ra thị trường...
Vậy cơ quan chức năng cần có trách nhiệm như thế nào trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm tết? Làm thế nào để phân biệt được thực phẩm an toàn với thực phẩm “bẩn”? Người tiêu dùng cần lưu ý gì để có được những thực phẩm Tết đảm bảo? Làm gì khi gặp phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?...
Các khách mời gồm:
1. ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế
2. Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an
3. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu Chuẩn - Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam VINASTAS.
đã giải đáp cặn kẽ các câu hỏi của bạn đọc TẠI ĐÂY
Chuyên mục Sức khoẻ