1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phó Thủ tướng: Mất an toàn thực phẩm - Không phải do các bộ chồng chéo trách nhiệm

(Dân trí) - Câu chuyện quản lý từ trang trại đến mâm cơm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, Quốc hội đã có nhiều cuộc giám sát, thậm chí ra Nghị quyết của vấn đề này nhưng tình tình vẫn không chuyển. Đại biểu đặt câu hỏi về việc phân định trách nhiệm của các Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ KH&CN trong vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) bày tỏ nguyện vọng tiếp cận vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm từ một góc độ khác với các chất vấn trước đây. “Nhắm” đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại biểu Tuân nêu thực tế, cử tri thực sự lo lắng cái chết từ từ do chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm.

Câu chuyện quản lý từ trang trại đến mâm cơm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, Quốc hội đã có nhiều cuộc giám sát, thậm chí ra Nghị quyết của vấn đề này nhưng tình tình vẫn không chuyển.

Ông Tuân đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng, việc phân định trách nhiệm của các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ trong việc quản lý nuôi trồng, chế biến, lưu thông, tiêu dùng lương thực, thực phẩm thế nào, trách nhiệm có chồng chéo không?

 


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tình trạng mất an toàn thực phẩm không phải do các bộ chồng chéo trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tình trạng mất an toàn thực phẩm không phải do các bộ chồng chéo trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét, câu hỏi này đã được nói nhiều trước nay, cùng với cách tiếp cận là sự phối hợp các cơ quan. Phó Thủ tướng quả quyết: “Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm các bộ, ngành, địa phương đã rất cố gắng nhưng còn rất nhiều bất cập, kết quả đạt được chưa đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của nhân dân cũng như chưa đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ về lĩnh vực này”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại này nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, không phải do việc phân công, phân nhiệm chồng chéo.

Theo Phó Thủ tướng, trước 2011, khi luật Vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu lực, Bộ Nông nghiệp quản lý khâu sản xuất, Bộ Công thương khâu lưu thông, Bộ Y tế khâu chế biến, nhưng sau đó, quy định quản lý đã thay đổi theo chuỗi sản phẩm và nhóm ngành nghề, thông suốt từ khâu trồng trọt, chế biến, lưu thông, kinh doanh.

Gần đây nhất, để giải quyết tương đối triệt để vấn đề, tháng 4 năm ngoái, 3 Bộ Nông nghiệp, Công thương, Y tế sau thời gian thảo luận, đánh giá kỹ đã cùng ký Thông tư liên tịch giữa 3 Bộ với nguyên tắc quy định cụ thể là mỗi việc chỉ có một cơ quan phụ trách thống nhất. Theo đó, các cơ quan đã xem xét phân rõ nhóm sản phẩm nào thuộc Bộ Y tế, nhóm nào thuộc Bộ Công thương, nhóm nào thuộc Bộ Nông nghiệp. Việc phân công này đã cơ bản giải quyết được việc chồng chéo về trách nhiệm.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng giải thích, các cơ quan đã làm việc rất tích cực, linh hoạt để giải quyết vấn đề.

“Dù đã tinh giản nhiều nhưng hiện cả nước vẫn còn rất nhiều Ban Chỉ đạo liên ngành và Trung ương, Thủ tướng đứng đầu 108 Ban chỉ đạo, riêng tôi cũng phụ trách 20 Ban Chỉ đạo. Chúng tôi họp định kỳ và thậm chí làm việc với nhau bằng điện thoại, không phân biệt cấp, chức, tôi cũng không ít lần làm việc trực tiếp với chuyên viên để có vấn đề gì sẽ xử lý ngay” – Phó Thủ tướng nói.

Xác nhận còn nhiều nội dung còn phải bổ sung tiếp nhưng Phó Thủ tướng khẳng định, quy định pháp luật về cơ bản là đầy đủ, đồng bộ, vấn đề là giải quyết ngành dọc, trong đó, vai trò quan trọng là chính quyền cấp dưới.

Theo Phó Thủ tướng, sự phối hợp không chỉ của 3 Bộ và ngành khoa học công nghệ như đại biểu nói mà còn cần sự tham gia của các địa phương, sự giáo dục đạo đức, nhận thức xã hội. Chính phủ cũng đã làm việc, bàn bạc nhiều với các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, UB Trung ương MTTQ  Việt Nam, thống nhất chương trình phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ và Chính phủ để thực hiện thật tốt việc tuyên truyền, vận động, thay đổi nhận thức, tương tự như chương trình đã làm về người có công.

“Nếu huy động được cả hệ thống như thế, tôi tin sẽ tạo chuyển biến rất rõ” – Phó Thủ tướng quả quyết. 

Ngay cả đội ngũ chức sắc tôn giáo ở Việt Nam cũng hết sức ủng hộ chủ trương chung. Cuộc vận động đấu tranh cho an toàn thực phẩm không chỉ ở khía cạnh pháp luật mà ở cả vấn đề đạo đức con người.

Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, theo đó, phải diễn ra ở từng hộ gia đình. Việt Nam hiện có 10 triệu hộ gia đình và nửa triệu hộ sản xuất. Ở cơ sở, hộ nông dân nào sử dụng sai thuốc bảo vệ thực vật, dùng thức ăn chăn nuôi có chất cấm những người xung quanh đều biết cả. Phó Thủ tướng đặt kỳ vọng chính mỗi người dân cũng ý thức dược hơn về trách nhiệm của mình trong giám sát an toàn thực phẩm tại cơ sở.

Đối với hoạt động thanh kiểm tra, theo Phó Thủ tướng, các cơ quan đã thanh tra 470.000 lượt cơ sở trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành, cả về thú y chỉ có khoảng 1.300 người. Mới đây, Bộ trưởng Y tế đã nói về việc Thủ tướng cho thí điểm thanh tra liên ngành nhưng cũng chỉ tổ chức được 10 đơn vị ở Hà Nội, TPHCM, triển khai từ ngày 15/11 vừa qua để huy động những người không phải thanh tra chuyên trách tham gia được vào hoạt động thanh tra về an toàn vệ sinh thực phẩm.

P.Thảo