Kỳ họp thứ 20 – HĐND TPHCM khóa VIII:
6 sở, ngành... đăng đàn, vẫn thấy “tắc” về vệ sinh an toàn thực phẩm
(Dân trí) - HĐND TPHCM đã dành hết phiên đầu tiên trong sáng 10/12 để yêu cầu tất cả các sở-ngành liên quan và 2 quận trả lời về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau gần 2 tiếng làm việc, Chủ tịch HĐND TP vẫn chưa hài lòng và cho là các giải pháp còn chung chung.
Vấn đề thực phẩm “bẩn” tràn lan đã được các đại biểu HĐND TP phản ánh ngay từ ngày đầu diễn ra kỳ họp thứ 20 và đến ngày làm việc thứ 3 (10/12), các đại biểu tiếp tục chất vấn các cơ quan chức năng về vấn đề này.
Đại biểu Phạm Hưng Út bức xúc: “Hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ công nhân, chợ tự phát… hết sức đáng báo động. Các ban ngành có biện pháp gì đảm bảo an toàn cho người dân hay không? Vấn đề an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến nòi giống chúng ta trong thời gian dài, đề nghị thành phố phải giải quyết ngay!”.
Trước yêu cầu đặt ra rất bức thiết của người dân và các đại biểu, Chủ tịch HĐND TPHCM đã dành hơn nửa thời gian trong phiên đầu tiên của sáng 10/12 cho các đơn vị liên quan trả lời chất vấn về vấn đề an toàn thực phẩm. Bà Quyết Tâm nói: “Tôi đề nghị Sở Công thương, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý thị trường, Sở Y tế và 2 quận có đông chợ truyền thống là Thủ Đức và Bình Tân tập trung trả lời về vấn đề này”.
Phát biểu đầu tiên, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương, cũng thừa nhận tình hình này hết sức phức tạp và sở đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hạn chế tình hình trên.
Ông cho biết: “Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì cơ bản phải có 2 việc cần làm. Thứ nhất là chúng tôi nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thực phẩm tốt, chất lượng tốt để đưa vào hệ thống phân phối. Hôm nay, Saigon co.op đã công bố 176 điểm bán với cam kết là điểm bán an toàn, đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh tìm kiếm nguồn cung, việc kiểm tra chất lượng thực phẩm tại các điểm phân phối cũng được chúng tôi đặt lên hàng đầu và thường xuyên thực hiện”.
Chủ tịch HĐND TP vẫn chưa hài lòng. Bà cho rằng: “Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề mà các đại biểu và người dân rất quan tâm, các sở ngành cần có giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề”.
Trong phần trả lời chất vấn của mình, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM, đi thẳng vào vấn đề: “Thực sự là công tác quản lý, xử lý thực phẩm kém an toàn còn rất nhiều bất cập. Sở cũng từng có rất nhiều văn bản góp ý gửi thành phố, Bộ Nông nghiệp nhưng chưa được giải quyết dứt điểm”.
Ông lấy ví dụ trong việc xử lý sai phạm trong chăn nuôi. Quy định chỉ xử phạt sai phạm, sở kiến nghị sửa quy định cho tịch thu thực phẩm không an toàn từ hành vi sai phạm nhưng rất lâu mới sửa, sửa rồi cũng nửa vời khi cho doanh nghiệp tự quyết là tiêu hủy hay cho doanh nghiệp giữ lại. Với cách xử lý nửa vời trên ông cho là không đủ sức răn đe.
Ông Nguyễn Phước Trung nói: “Tôi đề xuất Trung ương xử lý mạnh hơn, có quy định chế tài nặng hơn đối với hành vi sai phạm này để mang tính răn đe cao hơn”.
Đến phần trả lời của Chi cục Quản lý thị trường Phan Hoàng Chiến, ông loanh quanh bằng việc liệt kê các đơn vị tham gia công tác này và chủ trương chỉ đạo các đơn vị phải phối hợp với nhau thực hiện công tác này. Chủ tịch HĐND TP phải ngắt lời ông và yêu cầu ông đi thẳng vào vấn đề, những gì chi cục đã làm và sẽ làm, có vướng mắc gì không.
Lúc này, ông Chiến mới liệt kê ra công tác 1 năm qua của chi cục là đi kiểm tra được 680 vụ và phát hiện 1 số vụ thực phẩm nhập lậu, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời ông cũng cho biết để làm tốt việc đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều đơn vị, sở ngành.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề: “Ở ngành nào, sở nào cũng đặt vấn đề phối hợp các sở ngành. Chỉ còn Sở Y tế chưa phát biểu thôi. Vậy vấn đề phối hợp ra sao? Các đồng chí cần nói rõ!”.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Thời gian qua, sở cũng đã phối hợp cùng các lực lượng tiến hành nhiều đợt kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn công nghiệp, quán ăn đường phố nên tình trạng ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố đã giảm so với trước. Cụ thể là chỉ có 2,34 vụ trên 100.000 dân”.
Ông cũng đồng tình là nhà nước cần có biện pháp chế tài mạnh hơn nữa, cứng rắn hơn đối với hành vi sản xuất, công bố rõ tên các doanh nghiệp sai phạm, buôn bán thực phẩm bẩn.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết trên địa bàn quận có 12 chợ truyền thống, 1 đầu mối và rất đông sinh viên, công nhân nên có nhiều chợ tự phát. Thời gian qua quận cũng tiến hành làm nhiều đợt kiểm tra nhưng thực sự là quá sức vì thiếu nhân lực. Ông Nhân cho rằng: “Cần có lực lượng độc lập kiểm tra vấn đề này vì chỉ có thanh tra y tế là không đủ sức”.
Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng đồng tình và đề nghị cần có thêm lực lượng để tiếp sức thêm các lực lượng chuyên ngành trong việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm vẫn chưa hài lòng: “Hầu hết các giải pháp của các sở ngành còn rất chung chung, đơn vị nào cũng nói thiếu sự phối hợp đồng bộ và thiếu nhân lực. Sau buổi làm việc này, tôi nghĩ UBND TP cần có các giải pháp cụ thể cho từng đơn vị để giải quyết vấn đề này vì vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng rất lớn và người dân rất bức xúc”.
Tùng Nguyên – Quốc Anh