1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Ông Trump kêu gọi các công ty chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn

(Dân trí) - “Nhiều công ty bị áp thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các nước tương tự ở châu Á”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định vào sáng hôm qua (13/5).

Ông Trump kêu gọi các công ty chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn - 1

Ông Trump cho rằng tình hình này là rất tệ cho Trung Quốc, và rất tốt cho Hoa Kỳ!

Trong một loạt các bài đăng trên mạng xã hội vào sáng sớm hôm qua (13/5), Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một lập luận mới rằng người tiêu dùng có thể tránh thuế quan bằng cách mua hàng hóa không phải của Trung Quốc.

Mặc dù người tiêu dùng có thể chọn mua hàng hóa không phải của Trung Quốc trong một số trường hợp, nhưng người mua sắm tại Mỹ cảm thấy cần phải thay đổi thói quen mua hàng của họ và gần như chắc chắn sẽ phải trả giá cao hơn cho một số loại hàng hóa nhất định vì tranh chấp thương mại này.

“Hàng hóa của Trung Quốc không phải là lý do để người tiêu dùng Hoa Kỳ phải trả thuế quan.

Ngoài ra, thuế quan hoàn toàn có thể tránh được nếu bạn mua sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ. Hàng hóa đó sẽ không phải chịu thuế.

Nhiều công ty bị áp thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các nước tương tự ở châu Á. Đó là lý do tại sao Trung Quốc đang cực kỳ muốn tiến hành thỏa thuận!

Sẽ không còn ai ở Trung Quốc để làm kinh doanh nữa. Tình hình này là rất tệ cho Trung Quốc, và rất tốt cho Hoa Kỳ! Trung Quốc đã tận dụng lợi thế của Hoa Kỳ trong nhiều năm qua, rằng họ đang dẫn trước. Do đó, Trung Quốc không nên trả đũa, mọi việc sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn mà thôi!”, ông Trump viết tweet vào sáng hôm qua.

Trong khi các nhà kinh tế tiếp tục chỉ ra rằng lập luận của tổng thống về việc người tiêu dùng Hoa Kỳ không phải trả tiền thuế là sai, thì cố vấn kinh tế hàng đầu của tổng thống, ông Larry Kudlow, giờ đây cũng công khai thừa nhận rằng người tiêu dùng Hoa Kỳ phải trả thuế.

Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn với Chris Wallace trên Fox News Sunday, ông Kudlow công khai có nhận định mâu thuẫn với tổng thống.

Aaron Klein, một thành viên của Viện Brookings, trước đây từng giữ chức Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính trong thời ông Obama, cũng giải thích rằng thuế quan về cơ bản là một loại thuế đối với việc người Mỹ tiêu thụ hàng hóa nước ngoài.

Klein sử dụng ví dụ về một chiếc tivi có giá 300 USD do Trung Quốc sản xuất mà anh mới mua để giải thích về tác động của thuế quan đối với người tiêu dùng Mỹ.

“Nếu tổng thống định áp mức thuế 25% cho chiếc TV 300 USD này, thì chiếc TV này đắt hơn 75 USD. Vì vậy, nếu tôi trả 375 USD để mua chiếc TV, tôi đã gửi 75 USD tiền thuế cho Bộ Tài chính”, ông nói để chứng minh rằng 75 USD này không được trả bởi Trung Quốc mà bởi người tiêu dùng Mỹ.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được tiến bộ để đi đến một thỏa thuận thương mại cuối cùng nhưng tất cả các thỏa thuận dự kiến ​​đã sụp đổ vào tuần trước sau khi Trung Quốc tìm cách sửa đổi thỏa thuận, Nhà Trắng cho biết.

Các nhà đàm phán Trung Quốc đã có mặt tại Washington vào cuối tuần trước để thoả thuận lại. Dù không rõ ràng khi nào các đại diện thương mại sẽ gặp lại nhau, nhưng Nhà Trắng nói rằng có khả năng Tổng thống Trump có thể gặp Chủ tịch Tập bên lề hội nghị G-20 vào tháng tới.

Đáng nói, theo dự báo của Bloomberg, năm nay có thể sẽ là năm mà Trung Quốc phải hứng chịu khoản vỡ nợ lớn nhất lịch sử trên thị trường trái phiếu trị giá 13 nghìn tỷ USD của nước này.

Cụ thể, các công ty Trung Quốc đã vỡ nợ 39,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5,8 tỷ USD) trái phiếu trong 4 tháng đầu năm, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm 2018, theo dữ liệu được biên soạn bởi Bloomberg.

Theo đó, Bloomberg dự báo 5 công ty tư nhân Trung Quốc sẽ vỡ nợ trong năm là Neoglory Holding Group, Shandong SNTON Group, China Minsheng Investment Group, Citic Guoan Group, và Goocoo Investment.

Ngoài ra, theo Bloomberg, xu hướng vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc đang ngày càng trở nên rõ ràng và trừ khi có gì đó thay đổi, không thì năm 2019 sẽ có một mức vỡ nợ kỷ lục mới.

Hồng Vân (Tổng hợp)