1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chi 1 tỷ USD tiền túi cho VinFast, ông Phạm Nhật Vượng giàu cỡ nào?

Mai Chi

(Dân trí) - Trong 10 năm qua kể từ khi được Forbes công nhận tỷ phú USD, ông Phạm Nhật Vượng liên tục giữ vị trí người giàu nhất Việt Nam trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới.

Thông tin ông Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup cùng đứng ra tài trợ cho hãng xe VinFast với tổng số tiền 2,5 tỷ USD phát ra trong ngày 26/4 gây chú ý với giới kinh tế - tài chính trong và ngoài nước.

Theo thỏa thuận cam kết lần này, trong vòng một năm tới, ông Phạm Nhật Vượng sẽ hiến tặng 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân, còn phía tập đoàn mẹ là Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD, đồng thời cho VinFast vay 1 tỷ USD với thời hạn tối đa 5 năm.

Với nguồn tài trợ 2,5 tỷ USD nói trên, VinFast sẽ được bổ sung nguồn lực tài chính mạnh để tiếp tục phát triển trong thời gian tới. 

Ông Phạm Nhật Vượng được biết đến là người giàu nhất Việt Nam thời điểm hiện tại. Theo cập nhật của tạp chí Forbes, tính đến hết ngày 26/4, khối tài sản ròng mà cá nhân ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ ước tính khoảng 4,2 tỷ USD, xếp thứ 678 trong danh sách người giàu trên toàn thế giới.

Trước đó, tại kỳ xếp hạng tỷ phú USD năm 2023 vừa công bố đầu tháng này, giá trị tài sản của ông Vượng được xác định là 4,3 tỷ USD (xếp thứ 636).

Sở dĩ giá trị tài sản của ông Vượng được Forbes cập nhật thay đổi theo ngày do trong đó chủ yếu là giá trị cổ phần Vingroup mà ông Vượng nắm giữ. Hiện tại cổ phiếu VIC trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang được giao dịch tại mức giá 50.900 đồng (tạm tính tại thời điểm hết phiên sáng 27/4). Thị giá của VIC hiện đang giảm 3,23% sau một tuần giao dịch và đánh mất hơn 14% trong vòng 3 tháng qua. So với thời đỉnh giá 52 tuần hồi tháng 5 năm ngoái, giá cổ phiếu VIC hiện đang thấp hơn 36,77%.

Chủ tịch Vingroup được Forbes công nhận tỷ phú USD từ năm 2013. Trong 10 năm qua, ông Vượng liên tục giữ vị trí người giàu nhất Việt Nam trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới. Hiện tại, ông Vượng và gia đình sở hữu trực tiếp và gián tiếp gần 60% cổ phần Vingroup. Thành lập năm 2002, Vingroup là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, hoạt động đa ngành trải rộng trên nhiều lĩnh vực: bất động sản dân dụng và thương mại, du lịch nghỉ dưỡng, sản xuất công nghiệp và các lĩnh vực phi lợi nhuận như giáo dục, y tế.

Hồ sơ của Forbes thể hiện, ông Vượng và vợ khởi nghiệp kinh doanh nhà hàng và mì gói tại Ukraine vào đầu những năm 1990. Sau đó, giữa thập niên 2000, ông Vượng đẩy mạnh đầu tư kinh doanh về Việt Nam, bắt đầu với hoạt động du lịch và kế tiếp là bất động sản. Năm 2017, tập đoàn tư nhân này gây chú ý tại thị trường nội địa lẫn truyền thông quốc tế khi thành lập hãng xe VinFast, nuôi tham vọng chinh phục thị trường thế giới và thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.

Hồi đầu tháng trước, ông Phạm Nhật Vượng đã công bố thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, trong đó, ông Vượng đóng góp 95% tỷ lệ cổ phần. Công ty này hoạt động trong 2 mảng chính là cho thuê ô tô - xe máy điện và taxi điện. Toàn bộ xe do GSM cung cấp và sử dụng là ô tô và xe máy điện VinFast, với quy mô đầu tư là 10.000 ô tô và 100.000 xe máy.

Cũng trong tháng 3, ông Phạm Nhật Vượng hoàn tất việc chuyển nhượng gần 50,8 triệu cổ phiếu VIC (tương ứng 1,31% vốn điều lệ Vingroup) thuộc sở hữu cá nhân để góp vốn vào GSM.

Sau giao dịch, sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng tại Vingroup đã giảm từ 742 triệu cổ phiếu (tương ứng 19,18% vốn điều lệ Vingroup) xuống còn 691,27 triệu cổ phiếu (tương đương 17,87% vốn điều lệ Vingroup). Đồng thời, GSM sở hữu 1,31% vốn điều lệ Vingroup.

Phần vốn góp của ông Phạm Nhật Vượng vào GSM được định giá 2.850 tỷ đồng, xác định bằng giá bình quân 50 phiên của cổ phiếu VIC tính đến ngày 25/3 và tương đương với 95% vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng của GSM.

Chi 1 tỷ USD tiền túi cho VinFast, ông Phạm Nhật Vượng giàu cỡ nào? - 1

Diễn biến giá cổ phiếu VIC của Vingroup trong vòng 5 năm qua (Nguồn: Tradingview).

Mặc dù sở hữu trực tiếp của cá nhân của ông Phạm Nhật Vượng tại Vingroup có sự thay đổi nhưng sở hữu của nhóm cổ đông liên quan đến ông Vượng ở tập đoàn này vẫn duy trì xấp xỉ 63%.

Bên cạnh sở hữu của cá nhân ông Vượng và GSM thì tại Vingroup, bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) nắm 4,5%; Tập đoàn Đầu tư Việt Nam - cũng là cổ đông lớn nhất nắm 33% và Công ty Quản lý và đầu tư bất động sản VMI - công ty do ông Vượng và vợ thành lập hồi cuối năm 2022 - nắm 6,29% cổ phần.