HPG lập đỉnh 1 năm, ông Trần Đình Long và vợ con có bao nhiêu tiền?
(Dân trí) - Giá cổ phiếu HPG trong hơn nửa năm qua tăng mạnh, hiện đã hồi phục tăng gấp đôi so với đáy và đạt đỉnh giá 1 năm. Tài sản của gia đình tỷ phú Trần Đình Long cũng tăng chóng mặt.
Cổ phiếu HPG của Hòa Phát sáng nay (23/6) tiếp tục được giao dịch mạnh với khối lượng khớp lệnh đạt 17,5 triệu đơn vị, thị giá tăng 1,2% lên 25.150 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, với mức thị giá này, cổ phiếu HPG đã đạt đỉnh giá 1 năm và hồi phục mạnh so với thời điểm thiết lập đáy hồi trung tuần tháng 11/2022. Theo đó, HPG đã tăng hơn gấp đôi so với đáy.
Trong tháng 6, tính đến phiên 23/6, HPG mới chỉ có 2 phiên điều chỉnh nhẹ là phiên 14/6 với mức giảm 1,28% và phiên 19/6 với mức giảm 0,64%. So với đầu tháng, cổ phiếu này đã tăng gần 19% và đưa giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp tăng thêm khoảng 1 tỷ USD.
Đồng thời, với sở hữu lớn tại Hòa Phát, giá trị tài sản của các thành viên trong gia đình ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị - cũng tăng mạnh.
Cụ thể, ông Trần Đình Long đang sở hữu hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG (chiếm tỷ lệ 26,08% vốn điều lệ Hòa Phát). Bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long) sở hữu 426,57 triệu cổ phiếu HPG (tương ứng tỷ lệ 7,34%). Ông Trần Vũ Minh (con ông Long) sở hữu 90,74 triệu cổ phiếu HPG (tương ứng tỷ lệ 1,56%).
So với đáy, tài sản của ông Trần Đình Long đã tăng thêm 19.788 tỷ đồng và tổng tài sản cả gia đình tăng 26.539 tỷ đồng. Còn nếu chỉ tính kể từ đầu tháng 6, giá trị tài sản gia đình Chủ tịch Hòa Phát đã tăng thêm 8.033 tỷ đồng.
Giá trị tài sản ròng của ông Trần Đình Long theo ghi nhận của Forbes hiện đạt khoảng 2,2 tỷ USD. Tính theo thị giá HPG, tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của gia đình ông Long ước tính khoảng 51.146 tỷ đồng. Riêng thiếu gia Trần Vũ Minh hiện có trong tay khoảng 1.919 tỷ đồng.
Trên thị trường chung phiên sáng nay, các chỉ số diễn biến thuận lợi đến khoảng 11h. Tuy nhiên, áp lực bán trong 30 phút còn lại đã khiến hầu hết chỉ số "nhúng đỏ" hoặc về sát mốc tham chiếu.
VN-Index giảm 0,54 điểm tương ứng 0,05% còn 1.124,76 điểm trong khi HNX-Index giảm 0,37 điểm tương ứng 0,16% còn 231,54 điểm. UPCoM-Index tăng nhẹ 0,02 điểm tương ứng 0,03% lên 85,52 điểm.
Thanh khoản tốt, đạt 465,8 triệu cổ phiếu tương ứng 9.278 tỷ đồng trên HoSE và 231,5 triệu cổ phiếu tương ứng 1.077 tỷ đồng trên HNX.
Sắc đỏ đang chiếm ưu thế trên HoSE khi có 208 mã giảm so với 189 mã tăng giá; HNX có 94 mã giảm so với 75 mã tăng.
Cổ phiếu ngành ngân hàng hầu hết tăng giá và ủng hộ chỉ số. VPB tăng 2,6% và được khớp lệnh tới 32 triệu đơn vị; LPB tăng 2% và khớp lệnh 13,4 triệu cổ phiếu; MBB tăng 1,3%; SSB tăng 1,3%.
Ngành dịch vụ tài chính có sự điều chỉnh nhẹ. VDS, HCM, FTS, AGR, CTS, BSI, VCI, SSI… đồng loạt giảm giá song biên độ giảm không lớn.
Cổ phiếu bất động sản có vốn hóa nhỏ vẫn vận động tốt với nhiều mã tăng trần như VPH, LEC, PTL, QCG, TDH… Ngược lại, một số mã điều chỉnh sâu, TIX giảm sàn, DTA giảm 4,2%; PDR giảm 2,3%; NLG giảm 2,3%.