1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ông Nguyễn Văn Bình: Cơ cấu kinh tế có thay đổi nhưng "nhìn kỹ thì không rõ"

(Dân trí) - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dẫn nghiên cứu của Giáo sư Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách công Nhật Bản), một người bạn nghiên cứu về Việt Nam hơn 20 năm nay đánh giá “cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng nhìn kỹ thì không rõ”.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa phải từ nội lực

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực-Phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá: "Bước ra khỏi chiến tranh, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế".

Theo ông Bình, kể từ Đổi mới năm 1986, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam vào khoảng 6,4%/năm từ năm 2000 đến nay và tỷ lệ đói nghèo giảm xuống dưới 3% so với mức khoảng 50% đầu những năm 1990. Từ năm 2008, Việt Nam đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, bên cạnh những thành tựu trên, cần thẳng thắn nhìn nhận lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta hiện nay. Ông dẫn ý kiến của Giáo sư Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách công Nhật Bản), một người bạn nghiên cứu về Việt Nam hơn 20 năm nay đánh giá: “Cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng nhìn kỹ thì không rõ”.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao. Tức là, một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế.

"Do vậy, việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn", ông nói.

Thách thức vượt "bẫy thu nhập trung bình"

Theo ông Bình, Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách.

"Chúng ta có thể nhìn vào Nhật Bản, những năm 1960, vươn lên từ tro bụi sau Thế Chiến II, Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Hayato Ikeda đã đề ra “Kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập trong vòng 10 năm”, một mục tiêu được đánh giá là bất khả thi tại thời điểm đó. Tuy nhiên, với các giải pháp chính sách đồng bộ, tập trung phát triển công nghiệp, thúc đẩy tự do hoá thương mại, đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ và đặc biệt là giáo dục, đã tạo ra giai đoạn “những năm 60 vàng” của nền kinh tế Nhật Bản khi mà GDP tăng gấp đôi chỉ trong 6 năm", ông nói.

Tuy nhiên, ông Bình cũng dẫn chứng về những trường hợp ngược lại. Cụ thể, có quốc gia từng là nền kinh tế phát triển thứ hai châu Á chỉ sau Nhật Bản trong những năm 1950s nhưng do lựa chọn chính sách chuyển trọng tâm khỏi nông nghiệp để phát triển dịch vụ, mà bỏ qua công nghiệp hóa đã khiến kinh tế nước này lần lượt bị Thái Lan hay Malaysia vượt qua. Điều này cho thấy có khi chỉ một sai lầm hay thiếu quyết tâm trong lựa chọn chính sách có thể khiến cả nền kinh tế phải trả giá bằng nhiều năm, nhiều thập kỷ và thậm chí có thể không bao giờ vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), trong số 113 nước thuộc nhóm thu nhập trung bình vào năm 1960, đến nay chỉ có 13 nước vượt thành công bẫy thu nhập trung bình và trở thành những nước có thu nhập cao, tiêu biểu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…

"Vậy lựa chọn của Việt Nam là gì? Chúng ta cần làm gì để giải quyết bài toán phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong trung và dài hạn, giúp Việt Nam trở thành nước tiếp theo thành công vượt bẫy thu nhập trung bình và để sớm đưa Việt Nam trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á", ông Bình đặt câu hỏi.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm