1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ông Nguyễn Công Phú xin rút khỏi HĐQT Tập đoàn Hòa Bình

Việt Đức

(Dân trí) - Ông Nguyễn Công Phú gửi đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, đồng nghĩa những lùm xùm quanh vị trí lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng này nhiều khả năng sẽ kết thúc.

HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) cho biết đã nhận được đơn xin từ nhiệm của ông Nguyễn Công Phú. Phiên họp đại hội đồng cổ đông sắp tới của Tập đoàn Hòa Bình sẽ xem xét chính thức thông qua đơn xin từ nhiệm của ông Phú.

Sau khi gửi đơn từ nhiệm, ông Phú ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác của HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Một nguồn tin xác nhận với Dân trí cùng với việc gửi đơn từ nhiệm, ông Phú sẽ không theo đuổi các hành động pháp lý liên quan vụ việc lùm xùm quanh chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình. Ông Phú từng cân nhắc khả năng này khi phát biểu công khai trước truyền thông hồi đầu tháng 1.

Ông Nguyễn Công Phú sinh năm 1951, lấy bằng Tiến sĩ Cơ học đất và công trình ngầm tại Đại học Khoa học Paris, từng đảm nhiệm các chức vụ quản lý cấp cao trong Tập đoàn Apave tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Phú tham gia HĐQT Tập đoàn Hòa Bình từ năm 2021 với vai trò thành viên HĐQT độc lập, không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của công ty.

Giữa tháng 12/2022, ông Phú được 8/8 thành viên HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thống nhất bầu làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1/2023 thay ông Lê Viết Hải - người muốn từ nhiệm để tạo điều kiện pháp lý bổ nhiệm con trai Lê Viết Hiếu chính thức làm Tổng giám đốc công ty.

Tuy nhiên, đúng vào ngày cuối cùng của năm 2022, HĐQT Hòa Bình ban hành nghị quyết hoãn thi hành việc bầu ông Phú làm Chủ tịch HĐQT - đồng nghĩa với việc ông Hải tiếp tục là người lãnh đạo cao nhất tại doanh nghiệp xây dựng này. 

Ông Nguyễn Công Phú xin rút khỏi HĐQT Tập đoàn Hòa Bình - 1

Ông Lê Viết Hải (ngoài cùng bên trái) đứng cạnh ông Nguyễn Công Phú tại một sự kiện của Tập đoàn Hòa Bình vào cuối năm ngoái (Ảnh: HBCG).

Ông Phú cùng 3 thành viên HĐQT khác sau đó công khai trên truyền thông phản đối nghị quyết trên, cho biết không tham gia cuộc họp ngày 31/12/2022, nêu quan điểm nghị quyết tiếp tục để ông Hải làm Chủ tịch  HĐQT Tập đoàn Hòa Bình vi phạm điều lệ doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, Tập đoàn Hòa Bình khẳng định cuộc họp và nghị quyết hoãn thi hành bầu ông Phú, để ông Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT là hợp lệ. 

Vụ việc sau đó tiếp tục nóng lên khi ông Phú cùng một số thành viên HĐQT của Tập đoàn Hòa Bình xuất hiện chính thức trước truyền thông, tiết lộ nhiều nội dung liên quan đến các cuộc họp và một số vấn đề nội bộ liên quan hoạt động điều hành, quản trị doanh nghiệp. Ngược lại, phía Tập đoàn Hòa Bình tuyên bố các hành vi của ông Phú và thành viên có liên quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi không chỉ cung cấp thông tin và phát tán tài liệu có tính nội bộ, bảo mật mà còn cố tình diễn giải sai với bản chất.

Bước ngoặt của vụ việc xuất hiện vào ngày 19/1 khi Tập đoàn Hòa Bình nhận được quyết định của Cục Thi hành án dân sự TPHCM về việc dừng thi hành các nghị quyết liên quan đến thay đổi nhân sự HĐQT đã ban hành trong tháng 12/2022 cho đến khi vụ việc được quyết định hay phát quyết bởi Hội đồng Trọng tài. 

Cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết có hiệu lực của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), ông Lê Viết Hải sẽ tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình. 

Tập đoàn Hòa Bình vừa công bố doanh thu năm 2022 đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ nhưng lỗ ròng 1.140 tỷ đồng. 2022 là năm đầu tiên doanh nghiệp xây dựng này báo lỗ từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.