1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Ông lớn” nhà nước báo nợ 1,33 triệu tỷ lên Thủ tướng

(Dân trí) - Báo cáo với Thủ tướng sáng 16/1, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, tổng nợ phải trả của các TĐ, TCT năm 2012 trên 1,33 triệu tỷ đồng, một số TĐ, TCT vượt tỷ lệ nợ cho phép.

Báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước diễn ra sáng 16/1/2012, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, ông Phạm Viết Muôn cho biết, trong năm 2012, tổng doanh thu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt trên 1,621 triệu tỷ đồng, bằng 92% so kế hoạch năm, tăng 2 so thực hiện năm 2011.
 
Quang cảnh Hội nghị sáng nay 16/1
Quang cảnh Hội nghị sáng nay 16/1

Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2011. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,4%.

Tổng nộp ngân sách của các "ông lớn" đạt 294.000 tỷ đồng, thực hiện đạt 100% kế hoạch năm song giảm 12% so với thực hiện năm 2011. Trong đó, thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh nội địa chiếm 71%.

Phó Chủ nhiệm Phạm Viết Muôn cho hay, các tập đoàn, tổng công ty có doanh thu lớn bao gồm Dầu khí (PVN), Điện lực (EVN), Xăng dầu (Petrolimex), Viễn thông Quân đội (Viettel), Bưu chính Viễn thông (VNPT), Hàng không, Lương thực miền Nam, Dệt may, Công nghiệp cao su.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, một số tập đoàn, tổng công ty có doanh thu giảm so 2011 hoặc không đạt mức kế hoạch năm 2012 là Cà phê, Lương thực Miền Bắc, Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV). TKV mặc dù cả lợi nhuận doanh thu đều giảm song vẫn nằm trong Top các doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao.

Trước Hội nghị sáng nay, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp dẫn báo cáo tài chính hợp nhất toàn tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho biết, tổng lỗ phát sinh năm vừa rồi khoảng 2.253 tỷ đồng.

Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty năm 2011 lỗ và đến 2012 lại tiếp tục lỗ. Tính đến hết 2012, có 10 tập đoàn, tổng công ty có lỗ lũy kế với tổng số khoảng 17.730 tỷ đồng.

Là năm đầu tiên triển khai chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó, tái cơ cấu Tập đoàn, Tổng công ty - doanh nghiệp nhà nước, song báo cáo của Phó Chủ nhiệm Phạm Viết Muôn cho thấy, tổng vốn chủ sở hữu năm vửa rồi tăng 1% so năm 2011, đạt 735.293 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt gần 2,14 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2011, tài sản cố định chiếm tỷ trọng bình quân 43,7%.

Mức tăng vốn chủ sở hữu 1% trong năm vừa rồi được đánh giá là rất thấp so với mức tăng thiết lập trong năm 2011 (tăng 9% so với 2010). Báo cáo trước Thủ tướng, ông Muôn nhìn nhận, tình hình tài chính của không ít Tập đoàn, Tổng công ty là thiếu lành mạnh. Có tổng công ty không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính; có tổng công ty tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn rất thấp.

Một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay là cho chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp.

Theo đó, tổng nợ phải trả ở mức trên 1,33 triệu tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,82 lần, cao hơn so mức 1,77 lần trong năm 2011. Tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần.

Phó Chủ nhiệm Phạm Viết Muôn đánh giá, mặc dù theo số liệu, năm 2012, nhìn một cách tổng thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty vẫn nằm trong giới hạn cho phép, song xét riêng rẽ thì một số tập đoàn, tổng công ty vẫn vượt giới hạn cho phép ở tỷ lệ này. "Cá biệt có nơi rất cao", ông cảnh báo.

Nợ nước ngoài của các công ty mẹ tổng công ty, tập đoàn trong năm vừa rồi lên tới 158.865 tỷ đồng, chiếm 21,5% tổng nợ phải trả, tăng 11% so với năm 2011. Những doanh nghiệp có nợ phải thu khó đòi ở mức cao chủ yếu nằm trong lĩnh vực xây dựng.

Một số công ty mẹ có số nợ nước ngoài lớn được liệt kê ra gồm Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Hàng không, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc.

Trong số tổng nợ phải thu 326.556 tỷ đồng (tăng 10% so năm 2011 và chiếm 15% tổng tài sản) thì số nợ phải thu khó đòi là 5.280 tỷ đồng, bằng 1,64% tổng số nợ phải thu.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Phạm Viết Muôn, năm vừa qua, tình trạng lãng phí và ý thức thực hành tiết kiệm trong một số Tập đoàn, tổng công ty vẫn còn kém, chưa được khắc phụ nhiều, nhiều dự án đầu tư không có hiệu quả, không thể tiếp tục triển khai. Quản trị doanh nghiệp chưa có nhiều đổi mới, quy mô còn cồng kềnh, chi phí quản lý cao.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm