Thống đốc: Đã xử lý được 39.000 tỷ đồng nợ xấu

(Dân trí) - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, năm nay trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng dự kiến đạt 90.000 tỷ đồng, hiện được 78.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này các ngân hàng đã xử lý được 39.000 tỷ đồng nợ xấu.

Thống đốc: Đã xử lý được 39.000 tỷ đồng nợ xấu
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Đến thời điểm này các ngân hàng đã xử lý được 39.000 tỷ đồng nợ xấu.

Trao đổi với báo giới chiều 27/12, Thống đốc Nguyễn Văn Bình không đưa ra con số thống kê cụ thể về quy mô nợ xấu tính đến tháng 12, mà chỉ dẫn chứng số liệu đến tháng 10 là 8,82%.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, năm nay trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng dự kiến đạt 90.000 tỷ đồng, hiện được 78.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này các ngân hàng đã xử lý được 39.000 tỷ đồng nợ xấu.

Về ý kiến cho rằng xử lý nợ xấu còn chậm, ông Bình cho biết, điều này vừa đúng vừa không đúng. Đúng là bởi nợ xấu phải xử lý càng nhanh càng tốt, không đúng vì phải xử lý trong bối cảnh của Việt Nam chứ không thể so sánh với mọi trường hợp khác. Và rằng “Việt Nam đã xử lý nợ xấu trong cảnh cái khó bó cái khôn. Lấy trường hợp ở Mỹ, họ bơm tiền ra mua đứt tất cả các khoản nợ, không cần biết nợ đó xấu hay tốt. Nhưng chỉ có Mỹ mới làm được như vậy thôi bởi họ mới có nguồn lực để làm còn Việt Nam thì lấy ở đâu? Tôi nghĩ trong môi trường này mà xử lý được như thời gian vừa qua thì không phải chậm mà là quá quyết liệt”, Thống đốc chia sẻ.

Dẫn chứng thêm về hành động “quyết liệt” xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, vị tổng tư lệnh này nhấn mạnh đến việc nhiều ngân hàng cắt tưởng tết năm nay. Ông nói: “Đến giờ này nhiều ngân hàng không có thưởng vì họ đã trích lập dự phòng rủi ro rất nhiều, hay nói cách khác là họ lấy lợi nhuận của mình để bù đắp vào những khoản nợ xấu này. Năm nay có những ngân hàng đã tuyên bố không có thưởng và cũng không có thêm tháng lương nào cả. Còn những ngân hàng không chia cổ tức hoặc chia cổ tức thấp là phổ biến trong các ngân hàng. Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng đã gồng mình xử lý nợ xấu bằng chính quyền lợi của các cổ đông và bằng chính quyền lợi của các ngân hàng thương mại”.

Còn 1 ngân hàng chưa xây dựng xong phương án tái cơ cấu

Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Đề án xử lý nợ xấu và Đề án Thành lập công ty quản lý tài sản. Theo đánh giá của ông Nghĩa, đề án thứ hai được cho là một công cụ để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, theo ông Nghĩa, hiện Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng xong 2 bộ quy chế thay thế Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng và dự thảo quy chế mới về tỷ lệ an toàn để sau khi tái cơ cấu ngân hàng hoạt động trên chuẩn mực an toàn hơn.

Trong 9 trường hợp thuộc diện cần tái cơ cấu, hiện chỉ còn duy nhất một ngân hàng vẫn chưa xây dựng xong phương án tái cơ cấu. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước không thông tin cụ thể danh tính ngân hàng này. Nhưng theo đánh giá của vị đại diện Ngân hàng Nhà nước, khả năng chi trả của các ngân hàng này đến nay được đảm bảo, việc rút tiền hàng loạt không xảy ra.

Ngoài 9 ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu, chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng tiết lộ thêm tình trạng yếu kém của cả ngân hàng thương mại nhà nước. “Vẫn có những ngân hàng thương mại nhà nước có yếu kém lộ diện rõ ràng cần phải xử lý. Chúng tôi cũng có phương án cụ thể, rõ ràng với ngân hàng này”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Còn theo thông tin mà Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình đưa ra tại cuộc họp báo, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng SCB, TinNghiaBank, FicomBank thành một ngân hàng là SCB, đến nay, hệ thống quản trị của ngân hàng sau hợp nhất đã được cải thiện lớn về mặt tổ chức, nhân sự. Tính hình tài chính của SCB sau hợp nhất cơ bản đảm bảo các khoản chi trả bình thường cho công chúng.

“Ngân hàng Nhà nước đang xem xét phương án cơ cấu tài chính của ngân hàng để tạo điều kiện cho ngân hàng xây dựng chỉ tiêu tài chính cho năm 2013”, ông Bình nói.

Còn nhớ, trong cuộc gặp báo chí hồi tháng 11, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong số 9 ngân hàng thuộc diện tái cấu trúc năm 2012 thì 5 đơn vị gồm SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank và Tienphongbank xem như cơ bản đã ổn thỏa. Còn bốn ngân hàng nhỏ còn lại nằm trong diện này là GPBank, Navibank, TrustBank và Western Bank đang nỗ lực tìm phương án tái cơ cấu.

Riêng Tienphongbank, ngân hàng này vừa thông báo tăng mạnh vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.550 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng này dự tính sẽ tăng lên mức 4.000 tỷ đồng vào cuối năm nay, sau khi tập đoàn DOJI và người liên quan đầu tư năm 20% cổ phần và tham gia tái cơ cấu. Như vậy, đợt tăng vốn này là bước cuối cùng để khẳng định đề án tái cơ cấu toàn bộ hoạt động của TienPhongBank đã hoàn tất.

Nguyễn Hiền