1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ông lớn ngân hàng, đại gia địa ốc: 10 năm chờ đợi, 1 cú ăn đậm

Thị trường chứng khoán chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô, số điểm và thanh khoản. Sự hồi sinh của các cổ phiếu bất động sản và ngân hàng đóng góp không nhỏ vào sự bứt phá của thị trường.

Cuộc hồi sinh thập kỷ

Tròn 1 thập kỷ hàn gắn tổn thương từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô, số điểm và thanh khoản. VN-Index vượt ngưỡng 970 điểm, cao nhất trong 10 năm qua. Sự hồi sinh của các cổ phiếu bất động sản và ngân hàng đóng góp không nhỏ vào sự bứt phá của thị trường.

TTCK kết thúc một năm 2017 đầy ấn tượng với dòng tiền nội ngoại vẫn dồn dập đổ vào, như không có một kỳ nghỉ lễ. Khối ngoại vẫn tiếp mua ròng, trong khi các nhà đầu tư nội vẫn hào hứng đẩy mạnh mua vào ở hầu khắp các nhóm cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản tiếp tục nổi sóng trong những ngày cuối cùng để hoàn tất một năm bùng nổ ấn tượng.

Ông lớn ngân hàng, đại gia địa ốc: 10 năm chờ đợi, 1 cú ăn đậm - 1

Năm 2017 chứng kiến sự hồi phục và rượt đuổi ngoạn mục của cổ phiếu ngân hàng. Vietcombank (VCB) liên tục lập đỉnh cao mọi thời đại mới trong vài tháng cuối năm 2017 và chốt năm ở vùng giá 55.000 đồng/cp. “Chú lùn” VPBank (VPB) tăng mạnh từ mức loanh quanh dưới mệnh giá trong 2016 lên trên dưới 40 ngàn đồng/cp trước và sau khi lên sàn (hôm 17/8).

Với các cổ đông Vietcombank, 2017 là một năm đại thắng. Đây cũng là năm mà rất nhiều cổ đông tham gia vào vụ IPO cách đây 10 năm mới có lãi. Mức đấu giá kỷ lục 108.000 đồng/cp trong những ngày cuối cùng năm 2007 tương đương khoảng 53.000 đồng giá điều chỉnh.

Với cổ đông VPBank cũng vậy, nhiều người mua cổ phiếu VPB của ngân hàng này gần chục năm trước đó cũng đã có cơ hội bán ra thu hồi vốn khi giá cổ phiếu bất ngờ tăng vọt lên 3-4x khi mà thị trường sôi động.

Cổ phiếu ACB cũng âm thầm tiến bước, tăng tới 80%, từ mức giá khoảng 20 ngàn đồng hồi đầu năm lên vùng 37 ngàn đồng cuối năm. Cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội cũng tăng khoảng 80% trong năm và mang lại món lời khổng lồ cho các quỹ đầu tư như Dragon Capital. Trong năm, MBB ghi nhận 15 phút hở room hiếm hoi và khối ngoại cũng đã nhanh chóng mua trọng hơn 3,4 triệu cổ phiếu này.

Dấu ấn của nhóm cổ phiếu ngân hàng rất lớn. Với 5 ngân hàng cùng lên sàn năm 2017, sàn chứng khoán đã đón tổng cộng 13/30 ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán, gồm: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Eximbank, MBBank, Sacombank, VPB (niêm yết trên HOSE); ACB, SHB, NCB (trên HNX) và VIB, Kienlongbank, LienVietPostBank trên UPCoM. Bên cạnh đó có một số ngân hàng đã được cấp mã chứng khoán và đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để chào sàn vào đầu năm 2018 như: Techcombank, HDBank, TPBank,...

Triển vọng tươi sáng

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng ghi nhận một năm tăng trưởng bùng nổ cả về mặt giá và thanh khoản. Sự tăng trưởng đột phá về giá của cổ phiếu VIC và sự xuất hiện của cổ phiếu Vincom Retail (VRE) đã giúp tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thêm hơn 2 tỷ USD nâng tổng tài sản lên 4,3 tỷ USD, lọt top 500 tỷ phú giàu nhất trên thế giới.

Trong nhiều khoảng thời gian, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng đóng vai trò trụ cột và dẫn dắt TTCK trong bối cảnh sự thận trọng trở lại.

Ông lớn ngân hàng, đại gia địa ốc: 10 năm chờ đợi, 1 cú ăn đậm - 2

Nhiều cổ phiếu trở thành điểm sáng chói trên thị trường. Cổ phiếu LDG của Đầu tư LDG tăng mạnh từ mức khoảng 4 ngàn đồng đầu năm lên mức cao nhất mọi thời đại: 20 ngàn đồng vào cuối năm. DXG của Địa ốc Đất Xanh cũng ở mức cao kỷ lục. Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng tăng vọt trong năm và ở vùng cao lịch sử...

Trên thực tế, mỗi khi TTCK hồi phục, thì cổ phiếu ngành tài chính ngân hàng và bất động sản thường tiên phong dẫn dắt thị trường. Đây là nhóm cổ phiếu có quy mô lớn và có phản ứng nhanh chóng với các chính sách tiền tệ và tỷ giá.

Các ngân hàng và DN BĐS được hưởng lợi từ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Các doanh nghiệp bất động sản chứng kiến doanh thu tăng vọt và tồn kho giảm mạnh. Lãi suất ổn định ở mức hợp lý cũng giúp chi phi giảm.

Trong năm 2017, hoạt động của các ngân hàng có rất nhiều lợi thế. Nghị định 42 về xử lý nợ xấu của Quốc hội cùng với Luật tổ chức tín dụng đã mở ra cơ hội tái cấu trúc cho các ngân hàng. Đây cũng cơ sở để nhiều chuyên gia dự báo một triển vọng tiếp tục tốt đẹp của nhóm ngành này trong năm 2018.

Còn với BĐS, hàng loạt chính sách hỗ trợ và gói kích thích kinh tế từ những năm 2012 và sự ổn định về tỷ giá và lãi suất đã mang lại những kết quả tích cực cho nhóm ngành này, tập trung trong năm 2017. Dòng tiền trong và ngoài nước đổ vào BĐS khiến hàng loạt các DN trong lĩnh vực hồi phục.

Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp BĐS thuộc tốp trung đều đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận có mức tăng trưởng cao, với kỳ vọng các dự án đang triển khai sẽ được bàn giao và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong năm 2017.

Trong năm 2018, với những tín hiệu tốt từ nền kinh tế và dự báo về một chu kỳ phát triển bền vững của TTCK, hầu hết chuyên gia từ các CTCK đều có dự báo tốt về các cổ phiếu ngân hàng và BĐS.

Tuy nhiên, cũng có một số lo ngại đối với các cổ phiếu trong 2 nhóm ngành này. Với NH, đó là tỷ lệ nợ xấu thực tế còn cao và tỷ lệ an toàn (theo tiêu chuẩn hội nhập Basel 2) thấp với nhóm NH vừa và nhỏ. Còn với BĐS, nhiều DN hoạt động chưa bài bản, mang tính thời điểm, thiếu quỹ đất sạch và hiệu quả đầu tư chưa cao.

Mặc dù vậy, hầu hết các NĐT và chuyên gia vẫn tin tưởng rằng, nền kinh tế và TTCK Việt Nam đã đi qua giai đoạn tích lũy (2008-2012) và đã lấy được đà cho một giai đoạn tăng trưởng mới, một chu kỳ mới.

Theo M. Hà
Vietnamnet

Ông lớn ngân hàng, đại gia địa ốc: 10 năm chờ đợi, 1 cú ăn đậm - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm