1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ông Hồ Hùng Anh: Techcombank không cho vay nhóm liên quan Vạn Thịnh Phát

Văn Hưng

(Dân trí) - Cổ đông chất vấn về giá trị đầu tư, nợ xấu đầu tư của Techcombank với nhóm khách hàng liên quan tới Vạn Thịnh Phát, Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh khẳng định: "Không có".

Tại phiên họp cổ đông thường niên diễn ra sáng nay (23/4) của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB), nhiều vấn đề liên quan tới cổ tức, giá cổ phiếu, cho vay bất động sản (BĐS), trái phiếu, IPO TCBS… được cổ đông đặt ra.

Cổ đông chất vấn về giá cổ phiếu, trái phiếu, cho vay bất động sản...

Cổ đông đầu tiên đặt câu hỏi về giá cổ phiếu TCB và cho rằng "đây là cổ phiếu gây thất vọng", đồng thời yêu cầu lãnh đạo ngân hàng chia sẻ lý do để cổ đông tiếp tục nắm giữ cổ phiếu. Việc siết tín dụng BĐS của ngân hàng có phải xuất phát từ rủi ro trong cho vay bất động sản thời gian qua hay không cũng là vấn đề được cổ đông này đặt ra.

Cho vay BĐS, đầu tư mua bán BĐS cũng là vấn đề được cổ đông khác quan tâm. Vị này đặt câu hỏi: "Năm nay chủ trương chung là siết chặt vấn đề này, mảng cho vay đầu tư mua bán BĐS là mảng lớn. Vậy trong kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 2022 là 16,2% đã tính tới việc ảnh hưởng của suy giảm từ việc siết chặt BĐS hay chưa".

"Trái phiếu cũng là vấn đề đang "nóng", trong tổng dư nợ trái phiếu của ngân hàng thì bao nhiêu % đến từ BĐS, cụ thể ở những mảng gì và đánh giá rủi ro ra sao?", cổ đông này chất vấn. 

Ông Hồ Hùng Anh: Techcombank không cho vay nhóm liên quan Vạn Thịnh Phát - 1

Cổ đông đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo Techcombank (Ảnh: VH).

HĐQT Techcombank cũng bị cổ đông chất vấn về giá trị đầu tư, nợ xấu đầu tư của ngân hàng này với nhóm khách hàng liên quan tới Vạn Thịnh Phát. 

Trả lời cổ đông về cơ sở của mục tiêu tăng trưởng tín dụng, tín dụng tăng cao hơn thì tác động kết quả ra sao, CEO Techcombank Jens Lottner cho biết hạn mức tín dụng phụ thuộc vào quyết định của NHNN, ngân hàng cũng mong chờ xem có được cấp cao không. Một số đối thủ cạnh tranh có hoạt động liên quan tới phát hành trái phiếu nhưng chi phí phát hành của Techcombank thấp, CAR (hệ số an toàn vốn - PV) tốt nên bất chấp biến động thì ngân hàng này vẫn tự tin xử lý tốt. NIM có giảm chút nhưng vẫn cao so với các đối thủ cạnh tranh... ông thông tin thêm. 

Liên quan tới cho vay BĐS, trái phiếu, ông Lottner cho biết, với nguồn cung thiếu về nhà ở, dân số trẻ, nhu cầu nhà ở lớn, thu nhập người trẻ tăng… thì trong dài hạn ngân hàng vẫn kỳ vọng có cơ hội đầu tư tốt.

Vì tình huống đó nên có một số doanh nghiệp BĐS cũng muốn tận dụng để có hành vi chưa hợp lệ. Đó là lý do đã có những quy định mới siết chặt cho vay BĐS nhằm ngăn chặn việc thao túng thị trường, dự án để hủy hoại những phần tích cực. Tuy nhiên, theo ông, điều đó không có nghĩa BĐS không được coi trọng tại Việt Nam khi mà chúng ta chuyển sang nước thu nhập trung bình hoặc thu nhập trung bình cao nên ông tin sẽ có những biện pháp để thúc đẩy thị trường BĐS. 

"5 năm qua, ngân hàng chúng tôi không có một vấn đề nào với các khoản vay bất động sản. NPL (nợ xấu - PV) gần như bằng 0 đối với cho vay bất động sản", ông khẳng định và cho biết việc quản trị rủi ro vẫn đang được thực hiện tốt.

Về trái phiếu, theo ông, thị trường vốn là quan trọng. Ngân hàng không thể đạt được mục tiêu kinh doanh nếu thị trường vốn không được đảm bảo vững chắc. Chính phủ cũng có mục tiêu đảm bảo thị trường vốn mạnh mẽ. Về lâu dài, nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ thị trường vốn lành mạnh. "Chúng tôi hoàn toàn tự tin với nghiệp vụ phát hành trái phiếu", ông nói. 

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank không liên quan gì tới các khoản vay của Vạn Thịnh Phát

Bổ sung phần phát biểu của ông Jens, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank - cho biết việc tăng trưởng tín dụng không tác động quá nhiều đến lợi nhuận của ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước thường "nới room" tín dụng cho các ngân hàng vào cuối năm nên tác động tới bảng cân đối rất nhỏ, phần chính vẫn đến từ cả năm. Do vậy, câu chuyện tăng trưởng tín dụng nhiều hay ít thường ảnh hưởng tới kế hoạch lợi nhuận năm sau. 

Về trái phiếu, ông Hồ Hùng Anh thông tin, đối với ngân hàng, trái phiếu cũng được thẩm định như khoản vay trung, dài hạn để đảm bảo sự chặt chẽ. "Khi chúng tôi chọn thay vì cho vay trung, dài hạn thì tư vấn trái phiếu thì đó cũng là giúp cho nhà bán lẻ, doanh nghiệp tận dung cơ hội để phát triển. Chúng tôi làm rất chặt chẽ", Chủ tịch Techcombank khẳng định. 

Việc làm lành mạnh thị trường vốn, theo ông, là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức chuyên nghiệp, đầy đủ để mang tới sản phẩm tốt cho thị trường. 

Về rủi ro trong cho vay BĐS, ông Hồ Hùng Anh nhấn mạnh lĩnh vực này có nhiều mảng khác nhau chứ không chỉ là cho vay dự án, các khoản vay được thẩm định đầy đủ. "Nếu như cho vay BĐS làm cho CAR ảnh hưởng, các tỷ lệ khác có vấn đề mới có vấn đề, còn không thì là tốt", ông nói. "Còn vừa rồi có thông tin Techcombank hạn chế cho vay BĐS, thì nằm trong quy định chung. Với khách hàng tốt, dự án tốt ngân hàng vẫn tài trợ", ông nói.

Người đứng đầu HĐQT Techcombank cho biết: "Techcombank không liên quan gì tới khoản vay của Vạn Thịnh Phát" khi trả lời câu hỏi của cổ đông phía trên. "Tôi nghĩ rằng có nhiều thông tin khác nhau và ta không thể đi giải thích hết. Nhưng tất cả nằm trên giấy tờ", ông nói. Trái phiếu của Techcombank đều ở những dự án đầy đủ pháp lý, ngân hàng không cho vay dự án "treo", giấy tờ chưa hoàn thiện.

CEO Jens Lottner nói về "tâm tư của cổ đông" với cổ phiếu

Báo cáo của Ban điều hành chia sẻ với cổ đông tại phiên họp cho thấy, năm 2021, Techcombank đạt lợi nhuận ở mức kỷ lục, vượt 1 tỷ USD và là một trong 2 ngân hàng ở Việt Nam có lợi nhuận tỷ đô khi có lãi trước thuế hơn 23.200 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 47% so với 2020. Tổng tài sản tăng 29,4%. Tổng nguồn vốn tăng 14,6%.

Sau những kết quả được đánh giá là tốt bậc nhất thị trường hiện nay, CEO Techcombank nói thêm: "Tôi có thể hiểu được tâm tư của cổ đông là ngân hàng hoạt động tốt như vậy nhưng các kết quả đó đã được phản ánh đầy đủ trong giá cổ phiếu hay chưa, thì rất tiếc phải trả lời là chưa".

Kết phiên 22/4, cổ phiếu TCB của Techcombank đóng cửa với giá 44.100 đồng/cổ phiếu. Từ đầu năm tới nay, TCB đã giảm 11,8% kể từ vùng giá 50.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Hồ Hùng Anh: Techcombank không cho vay nhóm liên quan Vạn Thịnh Phát - 2

(Biểu đồ: Văn Hưng).

Về các chỉ tiêu hoạt động năm 2022, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với 2021, dư nợ tín dụng tăng trưởng 15% hoặc cao hơn trong mức được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Chia sẻ thêm về các con số này, CEO ngân hàng nói thêm sức khỏe ngân hàng đang "rất tốt, sẵn sàng cho các bước phát triển tiếp theo".

Đặt mục tiêu 5 năm tới, CEO ngân hàng này cho biết ban lãnh đạo đã chia sẻ những khát vọng của ngân hàng tới 2025, khát vọng không những dẫn đầu Việt Nam mà còn là tốp 10 tốt nhất ngân hàng tại ASEAN. Năm 2021, ngân hàng này đã khởi động để thực thi chiến lược 5 năm, hiện giờ tiếp tục triển khai thực hiện.

Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu mở rộng, đa dạng hóa nguồn thu nhập. Không những tập trung vào doanh nghiệp lớn mà đi xuống dưới để phục vụ các phân khúc khách hàng một cách đa dạng, phong phú hơn. 3 nền tảng được ông nhấn mạnh để làm tốt các kế hoạch trên là nhân tài, dữ liệu, số hóa.

Nhân tài là cụm từ mà CEO ngân hàng này nhắc đi nhắc lại. Năm 2021, ngân hàng tuyển được 4.300 cán bộ nhân viên, số đến từ lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số, dữ liệu chiếm khoảng 17%.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm