1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ông Đặng Văn Thành và 20 năm trên ghế Chủ tịch Sacombank

(Dân trí) - Lúc đang là Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Đặng Văn Thành từng nhấn mạnh nhiều lần, "doanh nhân có tuổi thọ, chứ doanh nghiệp không có tuổi thọ".

Trong khoảng một năm trở lại đây, cái tên "Sacombank" cũng như gia đình ông Đặng Văn Thành là một trong những đề tài được nhắc đến nhiều nhất trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam.
 
Nhiều biến động lớn xảy ra với gia đình ông Đặng Văn Thành trong thời gian này
Nhiều biến động lớn xảy ra với gia đình ông Đặng Văn Thành trong thời gian này

Thứ nhất vì diễn biến phức tạp và nhiều tranh cãi bên cạnh cuộc "thâu tóm" và ván bài với nhiều bên tham gia quanh "miếng bánh" Sacombank từ hồi đầu năm. Thứ nữa không kém quan trọng là do sự đặc biệt của gia đình quyền lực này.

Đây là một gia đình với bố, mẹ, hai con lớn đều đóng vai trò lãnh đạo ở những tổ chức, doanh nghiệp lớn. Hai con ông Thành gồm có ông Đặng Hồng Anh (32 tuổi) đang là Chủ tịch CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) và bà Đặng Huỳnh Ức My (31 tuổi) Tổng giám đốc Thành Thành Công, Chủ tịch HĐQT Bourbon Tây Ninh.

Tuy nhiên, hiện tại, ông Thành đã thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank và vợ ông, bà Huỳnh Bích Ngọc cũng đã rút khỏi HĐQT CTCP Bourbon Tây Ninh, nơi trước đây bà từng giữ cương vị cao nhất.
Từ mía đường đến Sacombank

Ông Đặng Văn Thành và vợ khởi nghiệp với cơ sở Thành Công từ năm 1979, chuyên sản xuất kinh doanh cồn, CO2 và mật rỉ đường dùng trong sản xuất bột ngọt, cồn, men thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc...

Thời gian đầu, cơ sở này do một mình ông Thành quản lý, còn vợ ông là bà Huỳnh Bích Ngọc đóng vai trò thủ quỹ và nội trợ. Tuy nhiên, kể từ khi chuyển sang lĩnh vực mới là ngân hàng vào năm 1991, ông Thành đã chuyển quyền điều hành Thành Công sang cho vợ quản lý - sau đó là sự ra đời của Thành Thành Công và cũng bắt đầu thời kỳ "nữ hoàng ngành mía đường" xây dựng cơ ngơi.

Sau nhiều lần mở rộng kinh doanh, sản xuất và phát triển hệ thống phân phối trải rộng cả nước, đến năm 2007, Thành Thành Công chuyển sang mô hình công ty cổ phần, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Lúc này, bà Ngọc làm Chủ tịch HĐQT còn con gái lớn, bà Đặng Huỳnh Ức My làm Tổng Giám đốc.

Sự chi phối của Thành Thành Công đối với ngành đường càng phủ rộng khi công ty liên tiếp đầu tư vào Bourbon Tây Ninh (SBT), Đường Ninh Hòa (NHS), Đường Biên Hòa (BHS),Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), Mía đường 333 (S33)... Trong đó, thương vụ mua lại cổ phần chi phối của Bourbon Tây Ninh từ Tập đoàn Bourbon (Pháp) được coi là nước cờ táo bạo nhất của bà Ngọc, đề từ đó đưa Bourbon Tây Ninh trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành.

Sở dĩ từng có câu hỏi được đặt ra "Thành Thành Công có đang lũng đoạn thị trường đường trong nước hay không" là bởi có thông tin Thành Thành Công đang nắm giữ 40% thị phần đường nội, song phía Bộ Công thương chưa nhận được phản ánh.

Về phía ông thành, khi phát triển sang lĩnh vực ngân hàng, tài chính, ông là một trong những thành viên đầu tiên có công sáng lập và lãnh đạo Sacombank trong gần 20 năm. Cùng các cộng sự, ông Thành đã xây dựng và đưa Sacombank từ mức vốn điều lệ ban đầu chỉ 3 tỷ đồng lên quy mô 10.740 tỷ đồng hiện nay.

Năm 2006, Sacombank trở thành ngân hàng đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ngay trước khi Việt Nam gia nhập WTO vào lúc thị trường hồi bấy giờ còn non trẻ. Giáo sư Carroll Grant (đại diện Trường Đại học Southern California) còn không tiếc lời khen, đánh giá ông Đặng Văn Thành là người có tầm nhìn xa nhưng cũng hành động kịp thời để đạt được thành tựu đề ra là xây dựng Sacombank trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu sẵn sàng cạnh tranh trong thời kỳ hậu WTO.

Mới đây, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank khi hé lộ về hậu trường thương vụ Sacombank cũng cho biết, ý tưởng đầu tư vào Sacombank bắt đầu từ tháng 7/2011. Theo phân tích của HĐQT Eximbank, thì Sacombank là ngân hàng TMCP hàng đầu. Nếu mua thì chỉ mất 1-2 năm khi TTCK phục hồi, chắc chắn Eximbank sẽ có lãi, thậm chí lãi lớn sau khi trừ các chi phí. Cùng với đó, việc trở thành cổ đông lớn của một ngân hàng TMCP hàng đầu như Sacombank, vị thế của Eximbank trên thị trường tài chính Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể - đó cũng là 1 động lực lớn thúc đẩy Eximbank tiến hành.
 
Khối lượng cổ phiếu các thành viên trong gia đình ông Đặng Văn Thành đang nắm giữ.

Khối lượng cổ phiếu các thành viên trong gia đình ông Đặng Văn Thành đang nắm giữ.
Đơn vị: cổ phiếu.

"Doanh nhân có tuổi thọ, doanh nghiệp không có tuổi thọ"

Đại hội cổ đông 2012 của Sacombank được đánh giá là cuộc chuyển giao quyền lực với 8 người mới "cập bến" trong khi Sacombank chỉ còn sót lại cha con ông Thành. Nhiều người cho rằng, nếu không đưa Sacombank trở thành 1 công ty đại chúng lớn như hiện nay thì có thể điều đó không xảy ra. Song ông Thành tỏ ra rất bình tĩnh, "vì đã là công ty cổ phần, tham gia TTCK là chấp nhận cuộc chơi đẳng cấp, chấp nhận đối vốn".

Là một người có những triết lý kinh doanh rất thực tế và thẳng, ông nói, có 9 chữ trong cuộc đời: “Một dòng sông, một khoảnh khắc, một cuộc đời”. Do vậy, có những sự kiện diễn ra trong đời người là rất khó lường trước.

Hồi nửa đầu 2011, khó ai nghĩ đến một viễn cảnh như bây giờ, khi người lèo lái Sacombank suốt gần 20 năm lại từ nhiệm. Cũng không ai nghĩ, tại Sacombank sẽ có một đợt sóng gió gây xáo trộn đến như vậy.

Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định, "nếu khởi nghiệp lại từ đầu trước tiên tôi vẫn chọn làm doanh nhân, còn ngành nào có cơ hội thuận lợi là tôi làm. Một người có năng lực mà cơ hội chưa tới thì cũng không làm được, còn cơ hội đến mà không có năng lực thì cũng vậy".

Theo ông, khi đã thấy trách nhiệm với doanh nghiệp thì trong quá trình phát triển doanh nghiệp phải có từng bước đi phù hợp, trong đó có việc chuyển giao quyền lực, xây dựng đội ngũ kế thừa.Tuy nhiên, ông không phủ nhận rằng, có “Rủi ro của mọi rủi ro là con người”.

Ông Thành rút lui, Sacombank được dự báo sẽ có nhiều thay đổi quan trọng dưới bàn tay bộ máy lãnh đạo mới. Chưa biết những thay đổi đó sẽ khiến Sacombank được gì, mất gì; nhưng dường như lời nói của ông Thành mới đây "Doanh nhân có tuổi thọ, chứ doanh nghiệp không có tuổi thọ" đã vận vào rất sớm.

Mai Chi