Nhà ông Đặng Văn Thành trong vòng xoáy mới

Trong vòng một tuần, cả hai vợ chồng ông Đặng Văn Thành đều rời chức chủ tịch. Hơn thế, các diễn biến trên sàn chứng khoán, các thông tin chính thức và không chính thức đang khiến gia đình ông Đặng Văn Thành một lần nữa trong tâm điểm chú ý.

Rời chức và mất tiền

Trong phiên giao dịch ngày 2/11, cả 3 cổ phiếu liên quan trực tiếp tới gia đình ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank - đã đồng loạt giảm sàn với dư bán rất lớn.

Đóng cửa phiên sáng, cổ phiếu SCR của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (do con trai ông Thành là ông Đặng Hồng Anh làm chủ tịch HĐQT) giảm hết biên độ cho phép (-7%) với dư bán sàn gần 7 triệu đơn vị. Số lượng khớp đạt 0,57 triệu đơn vị, tất cả đều ở mức giá thấp nhất là 5.100 đồng/cp.

Cổ phiếu SBT của CTCP Bourbon Tây Ninh - nơi con gái ông Thành đang ngồi ghế Chủ tịch HĐQT và trước đó vợ ông Thành là thành viên HĐQT - cũng giảm sàn với dư bán lên tới gần 1,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank cũng bị bán tống bán tháo ở mức giá sàn đầu giờ sáng trước khi phục hồi đôi chút vào cuối phiên.

Các mã cổ phiếu liên quan trực tiếp tới gia đình ông Thành giảm mạnh trong bối cảnh ông Đặng Hồng Anh công bố bán xong 21,45 triệu cổ phiếu SCR thu về khoảng 113,6 tỷ đồng, trong khi đó “nữ hoàng” mía đường Huỳnh Bích Ngọc - vợ ông Thành bất ngờ từ nhiệm HĐQT của Bourbon Tây Ninh…

Ông Đặng Văn Thành

Ông Đặng Văn Thành


Cụ thể, thông tin từ Sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, ông Hồng Anh đã bán thành công 21,45 triệu cổ phiếu đã đăng ký trước đó và giảm lượng cổ phiếu sở hữu từ 35.607.000 cổ phiếu (tỷ lệ 24,9%) còn 14.157.000 cổ phiếu (tỷ lệ 9,9%).

Các giao dịch được thông qua hình thức thỏa thuận trong 2 ngày là 26/10 và 29/10 với giá bình quân tương ứng là 5.300 đồng và 5.400 đồng/cp.

Thông tin về giao dịch này trên thực tế không bất ngờ bởi ông Hồng Anh đã đăng ký bán trước đó. Tuy nhiên, việc người đàn ông đang được xếp trong tốp 15 người giàu nhất trên sàn chứng khoán (giống như ông Thành) thoái vốn đúng như tuyên bố một cách nhanh chóng đang dấy lên những đồn đoán không mấy tích cực về doanh nghiệp cũng như doanh nhân này.

Trong khi đó, gần như cùng lúc, bà Huỳnh Bích Ngọc - mẹ ông Đặng Hồng Anh và là người nằm trong danh sách 45 gương mặt giàu nhất trên TTCK - bất ngờ từ nhiệm HĐQT công ty mía đường Bourbon Tây Ninh từ ngày 1/11 sau khi khi từ bỏ chức danh chủ tịch HĐQT công ty này. Trước đó, Huỳnh Bích Ngọc cũng đã từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT tại Công ty CP Đường Biên Hòa (BHS).

Dù gái Đặng Huỳnh Ức My cũng đã trám vào vị trí cao nhất SBT nhưng các thông tin về những biến động trong các doanh nghiệp của gia đình này, cũng như những giao dịch thỏa thuận lớn bất thường của 2 cổ phiếu EIB của Eximbank và STB của Sacombank gần đây đang khiến gia đình này rơi vào sự chú ý của dư luận.

Đến cuối giờ chiều 2/11, ông Đặng Văn Thành cũng đã tuyên bố rút lui khỏi chức chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank. Với động thái này, ông Thành coi như đã thoái lui toàn bộ khỏi các chức danh ở ngân hàng do chính ông gây dựng. Cuộc thâu tóm ở Sacombank đang có diễn biến mới khiến cả thị trường chú ý.

Đón biến động mới?

Không chỉ các cổ phiếu liên quan tới gia đình ông Đặng Văn Thành, hàng trăm mã cổ phiếu trên cả 2 sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đã giảm rất mạnh trong phiên giao dịch 2/11. Các nhà đầu tư đã ồ ạt tháo chạy khiến chỉ số VN-Index mất gần 13 điểm (-3,3%), còn HNX-Index rớt 3,04%. Chỉ số HNX30 - đo lường 30 cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất trên sàn Hà Nội thậm chí còn mất tới hơn 4,3%.

Diễn biến của phiên giao dịch 2/11 có nét gì khá giống như phiên ngày 21/8 khi mà trên thị trường đồn đoán “bầu Kiên” bị bắt. Điểm khác có chăng là ở chỗ mức giá của đa số cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối tuần này đã thấp hơn rất nhiều so với trước đó.

Áp lực bán ra càng về cuối phiên càng mạnh khi mà giới đầu tư chờ đợi 1 thông tin chính thức bác bỏ những tin đồn tiêu cực lan truyền trên thị trường nhưng rốt cuộc họ cũng không biết gì thêm ngoài việc chờ sang tuần sau hoặc nhấn lệnh bán.

Tâm lý lo ngại được nhiều nhà tư cho rằng khác hẳn và mạnh hơn nhiều khi mà thị trường gặp các tin đồn liên quan tới các đại gia khác như Trầm Bê, Hồ Hùng Anh, Đặng Thành Tâm trong thời gian vừa qua.

Các câu hỏi đều xoay quanh hiện tượng bộ 3 cổ phiếu SCR, SBT, STB bị bán tháo ngay đầu phiên như: Tại sao con trai ông Thành phải bán ra hơn 21 triệu cổ phiếu? Tại sao bà Ngọc lại rút lui khỏi các công ty mía đường? Giao dịch thỏa thuận bất thường cổ phiếu EIB và STB gần đây có liên quan gì không tới gia đình Thành? Và rồi tới mức giá 19.000 đồng mà cổ phiếu STB trụ vững trong hơn 2 tháng qua…

Theo một số nhà đầu tư có kinh nghiệm, TTCK biến động mạnh như này mới có cơ hội mua bán, giao dịch mới tăng lên, và để cân bằng lại thị trường, cân bằng lại các lợi ích… Tuy nhiên, vấn đề mà họ đề cập tới là trong 1 môi trường nhiều thông tin rối loạn và biến động mạnh như vậy, các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại gánh chịu thiệt hại lớn nhất.

Những biến động từ các DN lớn cho đến những nhân vật lớn trên sàn chứng khoán, khiến cho không ít nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đón những biến động mới. Tuy nhiên, trước biến động, ai cũng giữ tâm lý dè dặt, lo ngại.

Trước đó, TTCK đã gặp khá nhiều trường hợp biến động mạnh (ở diện rộng, ở một số mã hoặc riêng biệt ở 1 mã) và nó được cho là nhiều khi có liên quan tới tình trạng làm giá, giải chấp hoặc bán không… Gần đây hiện tượng này đã giảm bớt. Tình trạng bán khống được cho là đã chìm xuống khá nhiều.

Tuy nhiên, niềm tin trên thị trường dường như vẫn chưa được hồi phục. Các thông tin, tin đồn thật giả lẫn lộn; doanh nghiệp thông tin không minh bạch… ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà đầu tư. Thị trường dường như không có khả năng chống lại những tác động như nói trên và các nhà đầu tư chắc chỉ còn biết trông đợi vào sự mạnh tay hơn của các cơ quan quản lý.
Theo Huấn Tú
VEF