Ô tô Việt "gánh" thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn Singapore, Thái Lan
(Dân trí) - So với 9 nước ASEAN thì mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 ở Việt Nam là 45% cao hơn so với mức trung bình của 4 nước: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan.
Theo số liệu khảo sát từ Bộ Tài chính, 8/9 nước ASEAN áp dụng phương thức thu theo tỷ lệ % trên giá trị, riêng Philippines áp dụng thu thuế hỗn hợp (là phương thức thu kết hợp mức thu tuyệt đối với thuế suất theo tỷ lệ phần trăm).
Để khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, nhìn chung, các nước đều áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn đối với các loại xe có dung tích xi lanh nhỏ. Đặc biệt ở một số nước còn áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức thấp đối với dòng xe tiết kiệm năng lượng, xe sử dụng năng lượng sạch.
Cụ thể, mức thuế suất đối với dòng xe dưới 2.000 cm3 của nhiều nước dao động trong khoảng 15% đến 30%, ngoại trừ một số quốc gia như Malaysia (90%), Lào (65%),…
Mức thuế suất đối với dòng xe trên 3.000 cm3 đặc biệt cao ở hầu hết các nước, ví dụ như ở Indonesia (125%), Lào (90%), Malaysia (105%). Tuy nhiên, cũng có quốc gia không phân biệt mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt giữa các chủng loại xe như Singapore (thống nhất áp dụng thuế suất 20%), Philippines…
Như vậy, so với 9 nước ASEAN thì mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 ở Việt Nam là 45% cao hơn so với mức trung bình của 4 nước: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan. Trong đó, Thái Lan và Indonesia là 2 nước có nền công nghiệp ô tô tương đối phát triển và có xuất khẩu ô tô nhiều.
Về phân nhóm dung tích xi lanh, 9 nước ASEAN đều có cách phân nhóm khác nhau phụ thuộc vào thị hiếu tiêu dùng và thực trạng các dòng xe mỗi nước. Ví dụ: Phân nhóm đối với dòng dung tích xi lanh thấp nhất là từ 1.000 cm3 trở xuống có Lào, Malaysia; Phân nhóm đối với dòng dung tích xi lanh thấp nhất là từ 1.500 cm3trở xuống có Indonesia. Thái Lan phân nhóm xe bắt đầu từ dung tích 2.000 cm3.
Ngoài ra còn các tiêu thức dung tích khác như 1.700 cm3 (Brunei); 1.800 cm3 - 2.000 cm3 - 2.500 cm3 (Malaysia),… bên cạnh tiêu thức dung tích là kiểu động cơ, kiểu đánh lửa, công nghệ động cơ.
Bộ Tài chính cho biết, theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Việt Nam đặt mục tiêu khuyến khích phát triển dòng xe ô tô thân thiện môi trường; khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển thị trường, tăng mức đầu tư để có khả năng cạnh tranh khi hội nhập (Năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ trở xuống giảm về mức 0%).
Phương Dung