Bộ Tài chính: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô không phải để bù ngân sách
(Dân trí) - Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng ô tô theo lộ trình nhằm thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp ô tô chứ không phải đề bù cho phần thiếu hụt ngân sách khi thuế nhập khẩu giảm xuống
Trao đổi tại buổi họp báo chuyên đề về cam kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong lĩnh vực tài chính do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 9/11, ông Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) khẳng định, việc điều chỉnh thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng ô tô mới đây không phải để đảm bảo cho thu ngân sách trong bối cảnh thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do.
"Thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô được điều chỉnh theo lộ trình nhằm thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp ô tô chứ không phải đề bù cho phần thiếu hụt ngân sách khi thuế nhập khẩu giảm xuống", ông Thăng khẳng định.
Theo Bộ Tài chính, đối với sản phẩm ô tô, Việt Nam sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới, riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3.000cc trở lên có lộ trình xoá bỏ vào năm thứ 10.
Ông Thăng cho biết, nhiều khả năng vào năm 2016, TPP sẽ được kí kết và sau khi các nước hoàn thành phê chuẩn, kỳ vọng tới năm 2018, Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực.
"Trong quá trình thực hiện, thuế nhập khẩu giảm theo cam kết thì sẽ có tác động tới thu ngân sách. Tuy nhiên, mỗi hiệp định đều có tác động đa chiều, làm dịch chuyển thị trường xuất, nhập khẩu. Theo đó, nguồn thu ngân sách có thể giảm ở thị trường này nhưng có thể tăng ở thị trường khác", ông Thăng cho biết.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, từ khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do, đến nay cơ bản kết thúc 13 FTA, số thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu có xu hướng giảm về tỷ trọng và quy mô thu, tỷ trọng này trong giai đoạn 2010 - 2015 hiện chiếm 8% tổng thu ngân sách.
"Theo đánh giá dự kiến quy mô thu ngân sách từ xuất nhập khẩu sẽ vẫn duy trì ổn định ngắn hạn nhưng áp lực giảm thu thì sẽ có khi thực hiện cam kết. Tuy nhiên, ngoài thuế nhập khẩu và xuất khẩu, vẫn còn các khoản thu khác để bù đắp lại khoản hụt thu. Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị điều chỉnh chính sách nhằm điều chỉnh thu hợp lý, đảm bảo bền vững của cơ cấu thu ngân sách", ông nói thêm
Đánh giá về việc liệu cam kết giảm thuế có tác động tới giá của các mặt hàng nhập khẩu hay không, ông Thăng cho nói: “Thuế nhập khẩu chỉ là một yếu tố trong tất cả các hoạt động thương mại. Nếu nói cứ giảm thuế nhập khẩu là giảm giá thì không đầy đủ bởi đây chỉ là một trong nhiều yếu tố cơ cấu giá”.
Theo ông Thăng, thuế nhập khẩu giảm sẽ khuyến khích rất lớn cho sản xuất trong nước, góp phần giảm chi phí sản xuất. Theo đó, khi nhìn tổng thể nền kinh tế, giảm thuế nhập khẩu sẽ thúc đẩy đầu tư, mở cơ hội xuất khẩu sang nước ngoài và điều chỉnh lại cơ cấu thị trường nhập khẩu.
Phương Dung