Ô tô nội lép vế trước xe ngoại, vì đâu?

(Dân trí) - Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng về thị trường ôtô Việt Nam, Bộ Công Thương thừa nhận một thực tế: Chất lượng xe nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng hơn so với xe trong nước...

Ô tô nội lép vế trước xe ngoại, vì đâu? - 1
Bộ Công Thương cho biết, chất lượng xe nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng hơn.

Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng về thị trường ôtô Việt Nam, Bộ Công Thương thừa nhận một thực tế: Chất lượng xe nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng hơn so với xe trong nước.

“Các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp hơn do có vai trò của chính hãng. Nguồn gốc xuất xứ xe nhập khẩu được đảm bảo. Trách nhiệm về chất lượng sản phẩm được đảm bảo hơn”, Bộ Công Thương cho biết.

Cũng theo Bộ này, các dịch vụ cho công tác bảo hành bảo dưỡng hay triệu hồi sản phẩm đảm bảo hơn. Nguồn vật tư, phụ tùng thay thế trong quá trình bảo hành bảo dưỡng, sửa chữa qua hệ thống các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được chứng nhận được đảm bảo.

Liên quan đến vấn đề bảo hành, bảo dưỡng ô tô, Bộ Công Thương cho biết, Nghị định số 116 đã quy định rõ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đáp ứng Nghị định và đạt tiêu chuẩn quốc gia nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng ô tô.

Căn cứ yêu cầu của Nghị định số 116, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đánh giá, cấp Giấy chứng nhận và công bố Danh sách các cơ sở bảo hành bảo dưỡng đạt chuẩn trên trang thông tin điện tử của cơ quan Đăng kiểm để các cơ quan hữu quan và người sử dụng ô tô thuận tiện tra cứu, lựa chọn.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2018, số lượng ô tô nhập khẩu đạt 81.609 chiếc trị giá 1,8 tỷ USD, giảm 16,0% về số lượng và giảm 19,8% về trị giá so với năm 2017;

Tuy nhiên đến 6 tháng đầu năm 2019, số lượng ô tô nhập khẩu đạt 75.438 chiếc trị giá 1,68 tỷ USD, tăng tới 513% về số lượng và tăng 413,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt gần mức cả năm 2018.

Bên cạnh vấn đề về ưu đãi thuế quan, yếu tố chất lượng là một trong những điểm quan trọng khiến xe nhập khẩu vẫn được người tiêu dùng ưu ái.

Báo cáo của Cục Công nghiệp mới đây đã nhận định: giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa bằng chất lượng xe nhập khẩu.

“Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…”, đại diện Cục Công nghiệp nêu.

Theo Cục Công nghiệp, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.

Cục Công nghiệp thừa nhận thực tế: Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Dự báo với tốc độ nhập khẩu như các tháng vừa qua, lượng ô tô nhập khẩu, đặc biệt các loại xe con sẽ tiếp tục tăng mạnh, duy trì ở mức cao trong những năm tiếp theo.

Bộ Công Thương cho rằng, sản xuất trong nước sẽ gặp khó nếu không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường AEAN do được ưu đãi thuế quan.

Thực tế, tỉ trọng của xe sản xuất, lắp ráp so với xe nhập khẩu trong thời gian tới có xu hướng giảm, qua đó Bộ Công Thương cho rằng cần phải có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất lắp ráp ô trong nước phát triển để cạnh tranh với xe nhập khẩu khẩu.

Đặc biệt là từ năm 2018, các xe nhập khẩu từ ASEAN đạt hàm lượng ASEAN sẽ được giảm thuế về 0% theo hiệp định FTA của ASEAN. Tỷ lệ xe nhập khẩu từ ASEAN vẫn chiếm tỉ trọng lớn do có lợi thuế về ưu đãi thuế quan. Chưa kể như đã đề cập ở trên, vấn đề về chất lượng từ nguồn nhập khẩu cũng có nhiều ưu thế hơn...

Nguyễn Mạnh