Trộm, cướp đã táo tợn "viếng thăm" chung cư cao cấp
(Dân trí) - Trong tuần qua, trên nhiều diễn đàn cư dân xôn xao vụ một kẻ cướp đột nhập, khống chế chủ nhà ngay tại một chung cư cao cấp. Câu chuyện dấy lên hồi chuông báo động về an ninh của các khu chung cư hiện nay.
Cướp ở... chung cư cao cấp!?!
Một trong nhiều lý do khiến người chọn mua nhà ở các khu chung cư, khu đô thị mới đó là tính an ninh cao, luôn có bảo vệ trông coi 24/24h.
Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều cư dân ở một số khu chung cư lại có tâm trạng bất an bởi kẻ gian, kẻ xấu qua mắt được bảo vệ, đột nhập trộm cắp tài sản, thậm chí là… cả tình trạng cướp có vũ khí nóng.
Trong tuần qua, trên nhiều diễn đàn cư dân xôn xao vụ một kẻ cướp đột nhập, khống chế chủ nhà ngay tại một chung cư cao cấp ở Hà Nội. Kẻ gian đã giả danh nhân viên sửa chữa của chung cư, đánh lừa chủ nhà và đột nhập vào nhà, khống chế chủ hộ, lấy đi một số tiền. Chia sẻ vụ việc trên diễn đàn của chung cư, chủ nhà cho biết vụ việc quả thực sự “kinh hoàng” và việc ngồi bàn lại phương án an ninh cho toà nhà là rất cần thiết.
Đây có lẽ không phải là câu chuyện của riêng ai, riêng một toà nhà nào mà nó dấy lên hồi chuông đáng báo động về an ninh của các khu chung cư hiện nay...
Trước đó, những câu chuyện bị ăn cắp tài sản khi đi du lịch hay về quê cả tuần không còn mới lạ. Đầu năm 2017, báo chí cũng từng đưa tin vụ mất trộm gương xe của 3 chiếc xe ô tô hạng sang Lexus, Rang Rover, Mercedes để ven đường trong khu đô thị có bảo vệ trông giữ 24/24h tại khu đô thị Gamuda (Hoàng Mai, Hà Nội).
Trước tình trạng báo động về an ninh của khu đô thị, ngày 7/1 rất nhiều cư dân khu đô thị Gamuda Garden tập trung xuống đường căng băng rôn đề nghị chủ đầu tư khu đô thị có biện pháp đảm bảo an toàn vì tình trạng trộm cắp xảy ra tại đây.
Bảo vệ, có như không?
Đánh trúng tâm lý của người mua, nhiều chủ đầu tư khi rao bán căn hộ thường kèm theo lời quảng cáo về độ an toàn, an ninh nghiêm ngặt. Nhưng trên thực tế không ít chung cư người lạ ra vào chung cư vô tư như chốn không người. Khi không kiểm soát được người lạ ra vào thì việc đảm bảo an ninh cho cư dân sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tại khu chung cư AZ Sky, nhiều cư dân cũng đã lên tiếng việc có "người lạ" đi lên các tầng "ngó nghiêng" mà lực lượng bảo vệ chưa kiểm soát được. Tại đây, tuy có dùng thẻ từ nhưng cầu thang bộ hoàn toàn không có ai kiểm soát. Và ngay ở các thang máy thì người lạ hoàn toàn có thể lợi dung đi lẫn vào thang máy, nhờ người khác quẹt thẻ để đi lên các tầng một cách dễ dàng.
Trên diễn đàn khu chung cư ở khu vựa Dương Nội, Hà Đông (Hà Nội), nhiều cư dân lên tiếng phản ánh về chuyện tự dưng có người lạ… ghé thăm. Các toà nhà thuộc khu chung cư này đều chưa được lắp đắt thiết bị thẻ ra vào nên gần như việc ra vào là thoải mái.
Điều đáng nói, khi xảy ra mất đồ cư dân xuống phòng bảo vệ đề nghị xem lại camera tầng nhà mình nhưng hệ hống camera không hề lưu được mà chỉ phát trực tiếp. “Giả sử có vấn đề gì xảy ra thì kiểm tra thế nào? Cần phải bảo dưỡng lại hệ thống lưu trữ của camera tránh trường hợp xấu và vì an ninh của cư dân”, một cư dân bức xúc lên tiếng.
Trong khi đó, ở một số chung cư đã được lắp đắt hệ thống thẻ từ thì tình trạng kiểm soát an ninh tưởng chừng như đã chặt chẽ hơn rất nhiều nhưng vẫn còn lỗ hổng. Chẳng hạn như tình trạng người lạ vô tư “nhờ” thang máy hay lách việc dùng thẻ từ bằng cách đi đường thang bộ. Việc kiểm soát thang bộ ở các toà nhà này chủ yếu trông chờ vào các bảo vệ, nhưng nếu bản thân họ chỉ lơ là chút là kẻ gian có thể đột nhập.
Một trong các thiết bị được sử dụng để nâng cao hiệu quả an toàn an ninh là camera. Hầu hết các khu chung cư cao cấp đều có hệ thống camera giám sát và lực lượng bảo vệ khá dày đặc, nhưng họ gần như chỉ có trách nhiệm trông giữ phương tiện tại khu vực tầng hầm.
Cùng với đó, lực lượng bảo vệ không được tập huấn công tác nghiệp vụ thường xuyên vì là nhân viên hợp đồng các công ty cũng là một trong những nguyên nhân tạo sở hở để kẻ gian lợi dụng.
Lực lượng công an từng đưa ra khuyến cáo người dân trong trường hợp gặp trộm đột nhập, điều đầu tiên cần làm là khéo léo đưa tất cả những người thân trong gia đình vào một căn phòng, cài cửa chắc chắn sau đó dùng điện thoại, hoặc các đồ dùng phát ra âm thanh, tiếng kêu cứu để báo cho hàng xóm, công an nơi gần nhất, không mạo hiểm bắt trộm.
Bình tĩnh xử lý tình huống khi gặp trộm, tránh trường hợp đối tượng chỉ vì muốn trộm tài sản lại gây ra trọng án. Ghi nhớ đặc điểm, hướng chạy của đối tượng rồi nhanh chóng thông báo cho người dân quanh khu vực và cơ quan chức năng, không tự ý giải quyết. Nếu phát hiện có trộm khi về nhà, tuyệt đối không vào nhà một mình, mà gọi điện thoại báo cho công an hoặc ban quản lý khu nhà kịp thời ứng biến.
Bên cạnh đó, việc để xảy ra tình trạng bị trộm, cướp tấn công cũng có một phần nguyên nhân từ phía chủ nhà. Do tâm lý nghĩ rằng ở chung cư có bảo vệ, camera nên đã an toàn mà không để ý đến cửa ngỏ, đôi khi lơ là cảnh giác với kẻ lạ.
“Phòng hơn chống”, cư dân phải thường xuyên đóng cửa ra vào cẩn thận, nên trang bị các thiết bị chống trộm như camera, chuông báo động, đặc biệt trong điện thoại phải có sẵn số liên hệ của bảo vệ chung cư, công an khu vực để gọi khi có sự cố.
Nguyễn Khánh