Nước sạch có giun dân chung cư phát sốt

Người dân ở chung cư hết khổ vì phí dịch vụ, gửi xe,... nay lại thêm khổ vì nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm. Để bảo vệ mình, cư dân ở một số khu đô thị trước khi nhận nhà đã tự đi xét nghiệm nước, không trông chờ vào kết quả của chủ đầu tư.

Nước sinh hoạt có giun, bọ gậy

Nhiều tháng nay, hàng trăm hộ dân ở Khu đô thị Hồng Hà Eco City (Khu đô thị mới Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) phải sống trong tình cảnh nguồn nước ô nhiễm. Nước sinh hoạt được xả ra từ vòi đầy cặn, có lúc đen như nước cống, có giun, bọ gậy.

Chị Đàm Thị Tươi, phòng 1309 - CT15, nói: “Nhà tôi có con nhỏ nhưng nhiều tháng nay phải sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh nên cháu thường xuyên bị đau mắt. Không chỉ gia đình tôi, rất nhiều cháu nhỏ tại đây cũng bị đau mắt đỏ do phải sử dụng nước không vệ sinh. Cứ vài ngày lại có hộ xả nước ra từ vòi thấy nước chuyển màu đen. Bình thường, nước ở nhà nào cũng vàng và nhiều cặn”.

Ông Trần Cảnh, ở CT6 cho hay: “Gia đình chúng tôi phải tự mua nước đóng chai về sinh hoạt cá nhân, nấu ăn. Gia đình phải tiết kiệm từng giọt nước sạch đóng chai. Nước rửa mặt xong để xả nhà vệ sinh. Việc tắm giặt của gia đình phải di tản sang nhà người thân. Chúng tôi sống khổ suốt từ tháng 8/2016 đến nay nhưng chủ đầu tư vẫn chưa có phương án khắc phục”.


Nước sinh hoạt của cư dân ở Khu đô thị Tứ Hiệp bị ô nhiễm.

Nước sinh hoạt của cư dân ở Khu đô thị Tứ Hiệp bị ô nhiễm.

Ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Giám đốc Cty CP Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí, chủ đầu tư dự án Hồng Hà Eco City cho biết, công ty đang làm việc với Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai, nhà thầu thi công đường ống từ bể chứa dẫn tới các căn hộ để tìm hiểu nguyên nhân.

Nếu kết quả kiểm tra do lỗi của đơn vị cung cấp nước sạch, công ty sẽ cùng cư dân yêu cầu và kiến nghị đơn vị cung cấp nước sạch theo đúng quy định của nhà nước.

Nếu kết quả kiểm tra tại đường ống tổng chảy vào bể chứa nước các tòa chung cư của Xí nghiệp nước sạch Hoàng Mai đủ điều kiện nhưng xét nghiệm tại bể chứa và tại vòi nước của các hộ dân vẫn có hàm lượng asen vượt mức cho phép, chủ đầu tư sẽ làm việc với đơn vị thi công đường ống đề nghị xem xét và kiểm tra lại toàn bộ. Sau đó xét nghiệm lại nếu vẫn không đủ tiêu chuẩn cho phép thì sẽ tiến hành phương án 3 là xử lý hệ thống cấp nước cho tòa nhà.

Trước đó, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội cũng phát hiện hàng loạt chung cư có nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo. Cụ thể, tại chung cư Sông Hồng Parkview, quận Đống Đa, Hà Nội, cơ quan chức năng phát hiện 8 mẫu thuộc các bể ngầm, bể mái và hộ gia đình không đạt quy chuẩn (chỉ đạt từ 11/14 đến 13/14 chỉ tiêu).

Tại chung cư CT6A, B, Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, kết quả kiểm nghiệm cho thấy, nước sạch tại khu chung cư này không đạt 2 chỉ tiêu. Trong khi đó, tại chung cư CT9 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, mặc dù chất lượng nước trước đồng hồ tổng của tòa nhà đạt quy chuẩn, nhưng chất lượng nước sau đồng hồ đều không đạt quy chuẩn về hóa học hoặc vi sinh vật.

Dân phải tự bảo vệ

Để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân tại các chung cư trước khi bàn giao phải tự đi thử chất lượng nước đầu vào. Mới đây, cư dân chung cư Five Star Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) góp tiền đem mẫu nước đi thử tại Trung tâm Y tế dự phòng (70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) dù dự án chưa bàn giao nhà. Kết quả các chỉ số đều ở trong khung cho phép nhưng cư dân ở đây vẫn chưa yên tâm.

Anh Bùi Trung mua nhà tại dự án Five Star Kim Giang chia sẻ: “Khi thử nước đầu vào cũng chỉ là bước đầu. Còn trong quá trình vận hành, nếu bể chứa nước sinh hoạt của chủ đầu tư thiết kế không chuẩn sẽ rất dễ xảy ra tình trạng ô nhiễm nước như nhiều chung cư khác. Chung cư chưa bàn giao nhưng cư dân đã lập nhóm kín những người mua nhà tại dự án này để cùng nhau trao đổi bảo vệ quyền lợi cho mọi người”.

Đại diện phía chủ đầu tư dự án cho biết, trước khi bàn giao nhà đều có đầy đủ giấy tờ và được thành phố đồng ý bàn giao khi kết quả thử nước sinh hoạt và nước thải đảm bảo vệ sinh theo yêu cầu. Việc người dân tự đi kiểm nghiệm nước sinh hoạt, chủ đầu tư không can thiệp nếu điều đó làm cho cư dân yên tâm hơn.

Tại chung cư Capital Garden (102 Trường Chinh, Hà Nội) khi chủ đầu tư bắt đầu bàn giao nhà, người dân đã tự đi kiểm nghiệm nước sinh hoạt. “Chúng tôi bỏ vài tỷ đồng ra mua căn hộ nên nếu nước không đảm bảo sẽ bán căn hộ ngay. Có quá nhiều chung cư xảy ra tình trạng này nên chỉ còn cách đứng ra bảo vệ mình trước khi đợi kết quả của chủ đầu tư. Mà chắc gì kết quả của chủ đầu tư đã đúng”, chị Bích Hằng, người mua nhà tại dự án nói.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện số tòa nhà chung cao tầng của thành phố rất lớn (khoảng 900 tòa nhà), nên các cơ quan chức năng cần phối hợp thường xuyên kiểm tra để đảm bảo chất lượng nước cấp tới từng hộ dân.

“Quan điểm của chúng tôi sẽ đưa vào danh sách đen với những chủ đầu tư của khu chung cư nào mà việc cung cấp nước cho người dân không đạt tiêu chuẩn. Chúng tôi thường xuyên đưa ra các khuyến cáo cho các chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà tiến hành thau rửa bể chứa, hệ thống đường ống theo định kỳ để việc cung cấp nước đảm bảo tiêu chuẩn, nhưng kỳ thực có chủ đầu tư không thực hiện”, vị này cho biết

Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ cho rằng, với tư cách là những người bỏ tiền để sử dụng dịch vụ, người dân có quyền đòi hỏi được dùng nước sạch, chứ không phải là nước nhiễm bẩn, gây tác hại tới sức khỏe của họ. Việc chứng minh “nước bẩn” không khó vì chỉ qua xét nghiệm mẫu là tìm ra, nhưng chứng minh thiệt hại từ nước bẩn sẽ là cả một vấn đề. Do đó, cần có sự vào cuộc của hội bảo vệ người tiêu dùng, luật sư củng cố chứng cứ để chứng minh, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng nước.

Theo Ngọc Mai
Tiền phong