Mua nhà chung cư: "Sáng suốt đến mấy gặp chủ đầu tư không có tâm cũng khó"

(Dân trí) - "Cư dân có sáng suốt cách mấy mà gặp chủ đầu tư không có tâm thì cũng khó. Chỉ có cách đoàn kết và đấu tranh thôi", đại diện cư dân một điểm nóng điển hình về tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân diễn ra trong thời gian vừa qua phát biểu tại một toạ đàm.

Cư dân Home City nhiều lần xuống đường căng băng rôn đòi địa chỉ nhà.
Cư dân Home City nhiều lần xuống đường căng băng rôn "đòi địa chỉ nhà".

Dân không hề đòi hỏi quá đáng

Phát biểu tại toạ đàm trực tuyến "Bùng nổ tranh chấp, dân chung cư phải làm gì?" diễn ra chiều nay (25/4), đại diện cư dân Home City (Trung Kính, Cầu Giấy) cho biết: "Cư dân chung cư chúng tôi đã về ở khoảng 80%. Hiện mọi người đang rất bức xúc về vấn đề lối đi, địa chỉ không rõ ràng, con đường quy hoạch phía trước chưa có...".

Đại diện cư dân Home City khẳng định: "Trên thực tế, chúng tôi không đòi hỏi cái gì quá đáng cả. Trên hợp đồng đã ký chúng tôi hiểu là địa chỉ chung cư là 177 Trung Kính hiện tại chúng tôi về nhà qua một con đường không tên, nối với đường Nguyễn Chánh. Đường này không có biển hiệu, rất nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn".

"Chúng tôi đấu tranh để được đi đúng cái được ghi trên hợp đồng. Giữa chính quyền, chủ đầu tư cũng đang có sự bất nhất. Quận bảo mở địa chỉ 177 Trung Kính cho dân đi nhưng chủ đầu tư không chịu", người dân này nói.

Trả lời câu hỏi về việc có vấn đề gì khác biệt giữa những thông tin chủ đầu tư đưa ra khi bán hàng và khi cư dân nhận nhà tại dự án HomCity Trung Kính hay không, đại diện cư dân Home City Trung Kính cho biết: "Điều cơ bản nhất là quyền lợi của chủ đầu tư ở đây quá lớn. Nếu bảo là lừa đảo thì hơi quá nhưng đúng là có chuyện thông tin bất đối xứng ở đây. Khi chủ đầu tư công bố dự án và khi nhận nhà là 2 việc khác nhau".

"Trong cuộc chơi, chủ đầu tư là người có quyền, còn cư dân là người yếu thế. Ví dụ như dự án Home City chỗ chúng tôi, chủ đầu tư thông báo cơ quan quản lý sẽ là PMC nhưng khi nhận nhà thì lại thấy SPS là cơ quan quản lý. Đây cũng là công ty con của chủ đầu tư. Tức là dù chúng tôi có tìm hiểu kỹ nhưng khi triển khai lại là câu chuyện khác", cư dân tại toà nhà Home City nói.

Thêm vào đó, vị này cũng bức xúc: "Quy hoạch được vẽ ra rất hay. Như trên hợp đồng là 177 Trung Kính, tuy nhiên chúng tôi chỉ được đi vào khu nhà qua đường này 1 lần duy nhất khi nhận nhà, sau đó phải đi Nguyễn Chánh vào. Thực tế đây cũng chỉ là đường đi mượn của dự án Ocean Group. Cư dân có sáng suốt cách mấy mà gặp chủ đầu tư không có tâm thì cũng khó. Chỉ có cách đoàn kết và đấu tranh thôi".

Theo đại diện cư dân Home City, hiện người dân tại đây đang muốn từ giờ tới cuối năm nay có thể thành lập được Ban quản trị để giải quyết dứt điểm các bức xúc tuy nhiên phía chủ đầu tư muốn kéo dài thời gian khoảng 1 năm.

"Về phía chủ đầu tư, chúng tôi nhận thấy họ nói vòng vo, trên bảng thu điện nước có thể nhận thấy cư dân về đã đông rồi nhưng họ vẫn bảo chưa đủ thời gian, không chịu giải quyết dứt điểm. Nếu có ban quản trị sớm thì sẽ có tiếng nói hợp pháp hơn.

Tranh chấp sẽ làm giảm giá trị dự án

Tại toạ đàm, chia sẻ về hướng giải quyết đối với những tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cho rằng: "Đây không phải là vấn đề pháp lý mà là vấn đề xử lý tình huống. Vấn đề bán nhà cả chủ đầu tư và cư dân đều quan tâm, có thể bên này là lợi thế, bên kia là yếu thế".

Vị luật sư phân tích, trong trường hợp nếu chủ đầu tư chưa bán hết căn hộ, cư dân hoàn toàn có thể cân nhắc đặt thẳng vấn đề với chủ đầu tư, mặc cả với nhau, ai mất nhiều, ai mất ít, chẳng hạn bỏ ra vài tỷ đồng bảo trì để bán ra có lợi hơn.

Tuy nhiên, trong trường hợp bất lợi cho cư dân khi dự án bán hết rồi, hoặc còn vài căn, cư dân cần đấu tranh hết sức cân nhắc. Càng mâu thuẫn lớn, giá có thể xuống, môi trường ảnh hưởng. Không thể nói dừng hay tiếp tục mà tùy từng trường hợp. Nếu giấu thông tin đi, nếu các tiện ích và quyền lợi sẽ bị thiệt thòi.

"Nói chung, một khi đã có mâu thuẫn thì sẽ có chuyện thiệt hại và chấp nhận thua thiệt", luật sư Đức nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà (VBMA) cũng cho rằng: "Chúng ta cũng không phủ nhận sự ảnh hưởng của những vấn đề chung cư đến giá trị căn hộ sau khi bàn giao. Người mua nhà cũng ngần ngại mua những dự án đang có tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư".

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, sự ảnh hưởng này cũng là ít, không phải cứ có tranh chấp là dự án giảm giá. Giá trị căn hộ còn phụ thuộc vào vị trí, chất lượng xây dựng nhà ở.

"Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết ở các tòa chung cư, cư dân vẫn rất quyết liệt trong việc đấu tranh đòi quyền lợi, cũng không vì sợ dự án giảm giá mà giảm đi phần đấu tranh đòi quyền lợi", ông Hiệp nói.

Phương Dung