Nông sản rớt giá thê thảm: Nông dân, thương nhân…cùng khóc!
(Dân trí) - Một trong những vấn đề trọng tâm được thảo luận tại cuộc họp giao ban trực tuyến tháng 4/2015 của Bộ Công Thương là tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản thời gian qua, với các mặt hàng dưa hấu, gạo, cà phê, hành tím...
Ảnh minh họa
Dưa hấu: Chỉ 1/4 sản lượng xuất sang Trung Quốc!
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Lê - đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, tại Quảng Nam, có 18 huyện, thị thành nhưng chỉ có 4 huyện có dưa với diện tích 790 ha. Đợt lũ vừa qua Quảng Nam thiệt hại chủ yếu về dưa, với 570 ha ngập lụt với thiệt hại 2.600 tấn. Đại diện Sở Công Thương Quảng Nam kiến nghị, trong thời gian tới cần xây dựng thương hiệu cho dưa Quảng Nam để mặt hàng này có chỗ đứng và không bị rớt giá, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Trước các vấn đề liên quan đến việc tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa cũng như các vấn đề liên quan đến xuất khẩu tiêu ngạch bị ách tắc tại các cửa khẩu trong thời gian qua, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Nhà nước có những cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận thị trường, sản xuất, chế biến, tiêu thụ tạo ra môi trường cạnh tranh, mở cửa thị trường.
Qua tổng hợp cho thấy, dưa hấu là một sản phẩm mùa vụ. Tại Việt Nam, mỗi năm thu hoạch được khoảng 1,3 triệu tấn, trong khi đó, tiêu thụ tại Trung Quốc chưa tới 300.000 tấn. Điều đó có nghĩa tiêu thụ trong nước khoảng 1 triệu tấn. “Chúng ta đã làm tốt công tác tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường nội địa” – ông Quyền nói.
Bên cạnh đó, đối với mặt hàng hành tím, vừa qua Bộ Công Thương có công văn ngày 22/4/2015 về việc triển khai các giải pháp, đề nghị có thông tin giữa các vùng, các đầu mối, thúc đẩy tiêu thụ tại nội địa, bước đầu đã có tác động tích cực. Tuy nhiên về lâu dài, ông Quyền cho rằng, để mặt hàng này được tiêu thụ một cách bền vững, cần có sự chủ động hơn nữa từ phía địa phương, các sở Công Thương trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu từ nhiều năm qua đối với những mặt hàng mang tính mùa vụ, có số lượng lớn. Từ đó có các biện pháp tổ chức sản xuất, khuyến cáo sản xuất, thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng như thời gian qua.
Tồn kho 1,73 triệu tấn gạo
Không chỉ mặt hàng dưa gặp khó, đối với mặt hàng gạo tại TPHCM cũng đang nằm trong tình trạng tương tự. Báo cáo về vấn đề này, ông Trần Vinh Nhung - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, gạo là mặt hàng quan trọng nhưng năm nào cũng có tồn hàng và phụ thuộc vào sự phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), bởi điều kiện được đặt ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là phải có kho bãi, nhà máy chế biến.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, vấn đề đặt ra hiện nay đối với mặt hàng gạo dư thừa là phải làm thế nào để các doanh nghiệp cùng tham gia xuất khẩu chứ không qua trung gian thì xuất khẩu mới được đẩy nhanh. Mặc dù chúng ta đã có xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” nhưng phải có linh hoạt trong thời điểm này, bởi lượng hàng tồn kho trong doanh nghiệp đang lớn.
Sở Công Thương TPHCM cũng đề nghị, đối với mặt hàng gạo vẫn theo sự quản lý chung của Bộ Công Thương và VFA, tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp có thị trường và có bạn hàng nên linh hoạt để đẩy mạnh việc xuất khẩu gạo.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện VFA cho biết, tình hình xuất khẩu mặt hàng gạo từ đầu năm đến nay đạt gần 1,5 triệu tấn, giảm 15% lượng 19% về giá. Tồn kho tính đến thời điểm này ở mức 1,73 triệu tấn và đã hoàn thành 1 triệu tấn tạm trữ. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn là Trung Quốc, tiếp đến là Philippins, Châu Phi…
Thời gian gần đây giá xuất khẩu giảm sâu, kéo theo giá trong nước giảm. Tuy nhiên việc tác động của quá trình giảm giá này chưa ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp bởi lượng gạo tạm trữ chưa tiêu thụ được. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều phiên họp chuyên về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với nhiều giải pháp cụ thể. Hiệp hội đang đợi văn bản chính thức về vấn đề này.
Trả lời thắc mắc của Sở Công Thương TPHCM về việc cấp hạn ngạch đối với mặt hàng gạo, lãnh đạo VFA cho biết, hiện nay việc xuất khẩu gạo được thực hiện theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP, không có hạn ngạch mà chỉ có giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh do Bộ Công Thương cấp cho từng doanh nghiệp chứ VFA không phải là đơn vị cấp cho mặt hàng này.
Cà phê “ngấm đòn” tỷ giá
Cùng với mặt hàng gạo thì cà phê cũng là một trong những mặt hàng có sự sụt giảm cả về lượng và giá trong thời gian qua. Báo cáo về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam cho biết, mặt hàng cà phê niên vụ 2014 - 2015 đã thu hoạch xong với sản lượng giảm từ 20% so với niên vụ trước.
Theo dự kiến, 4 tháng đầu năm 2015 lượng xuất khẩu chỉ đạt 465.000 tấn với 968 triệu USD, giảm 41,8% về lượng và giảm 39,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Trong 3 tháng đầu năm, Đức và Hoa Kỳ vẫn là 2 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với lượng nhập khẩu lần lượt là 68.950 tấn và 43.866 tấn.
Trong tháng 1/2015, giá nội địa đã nhỉnh lên một chút với mức giá trung bình đạt 40.100 đồng/kg, trong khi đó giá FOB (HCM) lại giảm xuống còn 1.873 USD/tấn. Sang tháng 2, giá nội địa còn 39.900 đồng/kg còn theo giá FOB (HCM) chỉ còn 1.846 USD/tấn. Như vậy giá xuất khẩu còn thấp hơn giá thu mua trong nước. Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do đồng USD tăng so với các đồng tiền khác, các quỹ đầu cơ tài chính quốc tế tham gia vào thị trường bán khống nhiều hợp đồng giấy làm cho giá cà phê giảm mạnh. Tỷ giá đồng nội tệ với USD ở các nước xuất khẩu giảm dẫn đến giảm mức tồn kho.
Tỷ lệ chênh lệch giá giữa cà phê Robusta và Arabica khiến thương nhân mua nhiều Arabica hơn Robusta. Giá trong nước cao hơn giá trên sàn giao dịch kỳ hạn London và New York. Hiện giá quá thấp khiến nông dân và nhà xuất khẩu đều không mặn mà với việc bán ra mà chỉ cầm hàng để chờ giá trên 40 triệu đồng/tấn đối với cà phê Robusta nhân xô mới bán.
Chính vì vậy, đại diện Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam đề nghị có những ưu đãi về mặt lãi suất cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê được tiếp cận nhanh nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để thu mua xuất khẩu và triển khai công tác tái canh cây cà phê trong các niên vụ tới. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn trong việc đơn giản thủ tục, thời gian, Hải quan và công tác kiểm dịch hàng hóa xuất khẩu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.
Bích Diệp