1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nông dân Bình Định "khóc ròng" vì giá ớt tuột tận đáy

Doãn Công

(Dân trí) - Trước Tết Nguyên đán, giá ớt chỉ thiên có lúc cao kỷ lục gần 150.000 đồng/kg nhung không có hàng để bán. Nay chính vụ, giá ớt lại tuột xuống 12.000 đồng/kg, khiến người trồng ớt điêu đứng.

Nông dân Bình Định khóc ròng vì giá ớt tuột tận đáy

"Điệp khúc được mùa mất giá"

Đó là phân trần của nông dân trồng ớt tại huyện Phù Mỹ, địa phương được mệnh danh là "thủ phủ ớt" của tỉnh Bình Định với diện tích trồng hằng năm cả ngàn ha. Như nhiều vụ ớt khác "điệp khúc được mùa mất giá" lại lặp lại khiến người trồng ớt điêu đứng. Hiện tiền bán ớt không đủ trả công thuê người hái, vì giá ớt rớt từ "đỉnh cao" xuống tận đáy.

Nông dân Bình Định khóc ròng vì giá ớt tuột tận đáy - 1

Nông dân Phù Mỹ (Bình Định) đang mùa thu hoạch ớt nhưng giá ớt giảm mạnh khiến người trồng ớt điêu đứng.

Theo nhiều nông dân, chỉ một thời gian ngắn, giá ớt chỉ thiên (ớt nhỏ) từ 120.000 đồng/kg, có thời điểm gần 150.000 đồng/kg, nay tuột xuống chỉ còn 11.000 - 12.000 đồng/kg khiến nông dân thua lỗ.

Tương tự, giá ớt chỉ địa (ớt lớn), đầu vụ bán được 7.000 - 8.000 đồng/kg, nhưng nay còn 3.000 - 3.500 đồng/kg. Với giá này, người nông dân bán 1 kg ớt không mua nổi gói mì tôm.

Nông dân Bình Định khóc ròng vì giá ớt tuột tận đáy - 2
Ông Hồ Văn Minh lo lắng bên ruộng ớt chỉ thiên đang chuẩn bị cho thu hoạch.

Bà Dương Thị Hàng (67 tuổi, khu phố Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ), có 3 sào ớt (2 sào ớt chỉ thiên, 1 sào ớt chỉ địa) đang thu hoạch, cho biết: "Với giá ớt như hiện nay, nông dân trồng ớt chỉ có lỗ chứ không có lãi nhưng nhà nông thì phải làm thôi, chấp nhận lấy công làm lời. Nông dân chúng tôi quen với "điệp khúc được mùa mất giá" nhưng buồn vì bao công sức bỏ ra mà không được đền đáp".

Theo tính toán của bà Hàng, chi phí cố định trồng 1 sào ớt (500m2) từ giống, phân bón, bạt ni lông là khoảng 2,5 triệu đồng. Riêng thuốc bảo vệ thực vật thì vô hạn, bởi ít sâu bệnh thì ít dùng thuốc, sâu bệnh nhiều phải bơm thuốc liên tục.

Nông dân Bình Định khóc ròng vì giá ớt tuột tận đáy - 3
Hiện mỗi công hái ớt là 200.000 đồng/ngày, trong khi giá ớt giảm sâu khiến nông dân càng thêm lỗ.

Mỗi bình thuốc mất 100.000 đồng, 1 sào bơm 2 bình, có khi 1 tuần đến 10 ngày mới bơm 1 lần nhưng có khi 2-3 ngày phải bơm thuốc lại. Như vậy, tính đến lúc cây ớt cho thu hoạch mất khoảng 4 triệu đồng.

Chưa kể, hiện công thuê hái 1 ngày là 200.000 đồng. Mỗi sào ớt mất thêm 1,5 đến 2 triệu đồng thuê công hái, vị chi tổng 1 sào ớt mất từ 5,5 - 6 triệu đồng. Trong khi đó, ớt chỉ địa năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/sào, thậm chí nhiều hộ gặp giống ớt kém chất lượng, đạt chưa đạt 1 tấn/sào. Với mức năng suất này và giá như hiện tại thì nông dân trồng ớt ở Phù Mỹ năm nay lỗ nặng.

Nông dân Bình Định khóc ròng vì giá ớt tuột tận đáy - 4
Nhiều ruộng ớt bị chết năng suất chưa đạt 1 tấn/sào thì người trồng ớt còn thua lỗ nặng hơn.

Ruộng kế bên, ông Hồ Văn Minh phân trần: "Những hộ trồng ớt chỉ địa chắc chắn thua lỗ rồi vì giá ớt quá thấp chỉ có 3.000 đồng/kg. Gia đình tôi trồng 5 sào (3 sào ớt chỉ địa, 2 sào ớt chỉ thiên). Hiện ớt chỉ địa đang chín rộ mà giá rẻ không đủ thuê nhân công hái nên tôi còn để đó. Còn 2 sào ớt chỉ thiên đang bắt đầu chín, hi vọng ít ngày nữa lúc chín rộ giá sẽ tăng cao", ông Hồ Văn Minh nói.

Quá phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Từ trước đến nay, đầu ra của ớt Bình Định hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nông dân Bình Định khóc ròng vì giá ớt tuột tận đáy - 5
Một số thương lái mua ớt đưa đi Sài Gòn, Bình Dương tiêu thụ, nhưng con số này rất ít và giá cả cũng thấp.

Theo một chủ đại lý thu mua ớt quy mô lớn chuyên cung cấp cho thị trường Trung Quốc, cho biết những năm trước đây, vào thời điểm ớt ở Bình Định thu hoạch rộ, mỗi đêm đại lý này đưa sang Trung Quốc từ 50-60 tấn ớt tươi. Nhưng hiện nay do thị trường Trung Quốc không còn thu ớt mạnh, giá mua lại thấp nên  thương lái phải mua ớt của nông dân giá thấp. Do lượng hàng tiêu thụ chậm nên thương lái cũng chẳng được bao nhiêu.

Theo ông Trần Minh Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, vụ đông xuân năm nay nông dân huyện Phù Mỹ trồng đến 1.262 ha ớt, tăng 29 ha so cùng kỳ năm trước. Nhờ thời tiết thuận lợi nên ớt trồng ở Phù Mỹ cho năng suất khá, đạt hơn 1,5 tấn/sào (500m2) đối với ớt chỉ địa, ớt chỉ thiên đạt 1 tấn/sào.

Nông dân Bình Định khóc ròng vì giá ớt tuột tận đáy - 6
Tiền bán ớt không đủ tiền thuê công hái ớt.

Hiện ớt ở Phù Mỹ đang thu hoạch đại trà, thế nhưng lại gặp lúc giá ớt giảm sâu khiến người trồng ớt ở Phù Mỹ ngậm trái đắng vì thua lỗ.

Ông Tuấn cho rằng, hiện người trồng ớt trên địa bàn huyện Phù Mỹ chưa liên kết được với doanh nghiệp tiêu thụ (có 5 doanh nghiệp tự phát về liên kết với người trồng, nhưng giá hạ thì bỏ không mua). Hiện người trồng vẫn chủ yếu bán cho đại lý thu mua trên địa bàn huyện để xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu gạch nên giá cả không ổn định.

Nông dân Bình Định khóc ròng vì giá ớt tuột tận đáy - 7

Nông dân trồng ớt ở Phù Mỹ chở ớt đi bán cho đại lý tiêu thụ trên địa bàn huyện.

"Trước mắt, phòng sẽ tham mưu cho huyện các giải pháp để hạn chế thiệt hại cho người trồng ớt như: các địa phương tổ chức gặp gỡ các đơn vị thu mua để bàn phương án, giúp nông dân không bị ép giá... Về lâu dài, cần có chương trình liên kết chặt chẽ hơn theo cơ chế thị trường. Đồng thời, kiến nghị cấp vĩ mô có chính sách hỗ trợ xuất khẩu ớt theo đường chính ngạch, nâng cao giá trị cho nông dân…", ông Tuấn cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm